Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023 với chủ đề “Ba địa phương một điểm đến, nhiều trải nghiệm” dịp tháng 3/2023 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Việc “đi cùng nhau” trong phát triển ngành du lịch giữa địa phương với địa phương, địa phương với doanh nghiệp (DN) và người dân là xu thế tất yếu trong phát triển du lịch, trong bối cảnh mới. Trước tình hình đó rất cần sự liên kết giữa các địa phương, DN cùng chung tay thực hiện”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu giới thiệu với đại biểu Trung ương và các tỉnh bạn sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hà Tĩnh, bên lề Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh (tháng 3/2023).
Với ngành du lịch Hà Tĩnh, việc liên kết vùng để phát triển được triển khai từ khá sớm. Theo đó, căn cứ vào Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Tĩnh nằm trong quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ gồm 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Từ năm 2015 tới nay, Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều chương trình, hành động và triển khai thực hiện cụ thể như: phối hợp tổ chức và tham gia các chương trình du lịch vùng, liên kết trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch vùng; đẩy mạnh liên kết vùng với các địa phương như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Bắc; tổ chức xúc tiến du lịch với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh bắt tay thể hiện quyết tâm liên kết du lịch tại diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022. Ảnh tư liệu.
Cùng với tham gia xây dựng nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển 4 tỉnh Bắc miền Trung do Tổng cục Du lịch chủ trì, tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án EU (Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ) trong công tác xây dựng mô hình liên kết vùng du lịch, hợp tác 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; tổ chức đón các đoàn Famtrip cho các đơn vị lữ hành và Presstrip cho phóng viên báo chí, truyền hình trong cả nước, quốc tế tới khảo sát tiềm năng và sản phẩm du lịch của Hà Tĩnh nói riêng và du lịch vùng Bắc Trung Bộ nói chung...
Đoàn Farmtrip TP Hồ Chí Minh khảo sát các sản phẩm du lịch tại KDL sinh thái Hải Thượng - Hương Sơn (tháng7/2022).
Nhờ việc đẩy mạnh xúc tiến liên kết vùng, thời gian qua, nhiều công ty lữ hành trong tỉnh và cả nước đã xây dựng nhiều tour, tuyến về với quê hương núi Hồng, sông La, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Hà Tĩnh phát triển.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, từ tháng 3/2022 tới nay, điểm đến này đã đón hàng trăm đoàn lữ hành từ khắp các tỉnh thành trên cả nước về tham quan. Trong hơn 92.000 lượt khách tham quan điểm đến này trong 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 100 đoàn lữ hành. Việc các đoàn lữ hành tham quan chùa Hương Tích đông như vậy là chưa có tiền lệ ở thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát. Đặc biệt, có rất nhiều đoàn lữ hành tới từ các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cà Mau, TP Đà Nẵng, Bình Dương… Có được điều đó là do thời gian qua, Sở VH-TT&DL cũng như huyện Can Lộc, Công ty CP Lữ hành Thành Sen đã có nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá và liên kết với các đối tác tỉnh, thành trên cả nước.
Mặc dù triển khai sớm, thực hiện nhiều chương trình hoạt động xúc tiến liên kết nhưng thực tế, liên kết hiệu quả như trường hợp quảng bá thu hút du khách về chùa Hương Tích vẫn đang là hiện tượng cá biệt, đơn lẻ trong phát triển du lịch ở Hà Tĩnh hiện nay. Hiệu quả của liên kết vùng, cụ thể là khu vực Bắc Trung Bộ trong chiến lược phát triển đề ra tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay vẫn chưa cụ thể, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính thương hiệu…
Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) thừa nhận: “Cho đến nay, việc phát huy hiệu quả trong liên kết phát triển du lịch của Hà Tĩnh vẫn chưa khả quan. Việc phối hợp khai thác phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ vẫn còn thiếu tầm nhìn tổng thể dẫn đến sản phẩm du lịch ít, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn và chưa thể hiện rõ nét được sản phẩm đặc thù, đặc trưng của vùng; chưa có được sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, chưa có thương hiệu sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ như mục tiêu đề ra”.
Những điểm giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương tại khu du lịch còn thiếu và nếu có cũng chưa phát huy tác dụng do chưa biết cách tiếp thị quảng bá đến du khách.
“Nguyên nhân của việc liên kết vùng thiếu chặt chẽ trong phát triển du lịch thời gian qua trước hết là nhận thức về bản chất của vấn đề liên kết chưa rõ”, ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh nhấn mạnh. Theo ông Anh, việc những người làm du lịch chưa nhận thức được một cách đầy đủ bản chất của liên kết vùng chính là tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, chất lượng, mang bản sắc riêng, có tính cạnh tranh cao là yếu tố then chốt để tạo ra sự kết nối giữa vùng này với vùng kia, tạo thành một sản phẩm tour, tuyến hấp dẫn. Do vậy, thời gian qua, ngành du lịch Hà Tĩnh vẫn loay hoay với tình trạng “giật gấu, vá vai” trong phát triển sản phẩm, dẫn tới việc tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng không cao, chưa có sản phẩm đặc trưng, tạo nên liên kết giữa các điểm đến.
Một hạn chế nữa khiến liên kết vùng trong phát triển du lịch chưa hiệu quả là do thiếu sự kết nối giữa các cấp, ngành với DN. Mặc dù tổ chức và tham gia nhiều hội nghị liên kết nhưng sau sự kiện, tỉnh còn thiếu những chính sách cụ thể dành cho DN thu hút khách về Hà Tĩnh, tính liên kết giữa DN du lịch và địa phương, giữa các địa phương với nhau còn yếu, mang tính chất “mạnh ai nấy làm”.
Các đầu bếp chế biến món ăn đặc sản Hà Tĩnh giới thiệu với du khách tại Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh (tháng 5/2022).
Để khắc phục những hạn chế, đưa liên kết trở thành một thế mạnh trong phát triển du lịch, theo ông Hồ Việt Anh, chúng ta cần phải tận dụng ưu thế của địa phương, xây dựng các sản phẩm khác lạ, độc đáo, nâng cao chất lượng dịch vụ; nghiên cứu lại cơ cấu thị trường, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phát triển du lịch xanh, bền vững, lấy trải nghiệm du khách làm trung tâm; tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển du lịch; có những giải pháp thu hút nguồn nhân lực du lịch sau dịch COVID-19; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến bằng cách xây dựng sản phẩm chất lượng, hấp dẫn.
Liên kết là hợp tác để cùng phát triển, do vậy, thay vì đua nhau hạ giá, phải thi đua nâng cao chất lượng sản phẩm và minh bạch trong phân chia lợi nhuận giữa các bên để cùng “nắm tay thật chặt” đưa du lịch lên một tầm cao hơn.
Du khách trải nghiệm những dịch vụ du lịch mới tại các điểm du lịch ở Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh là địa phương giàu tài nguyên về di sản văn hóa, cảnh quan, bãi biển đẹp… để phát triển du lịch. Trong đó, liên kết vùng là cơ hội không chỉ quảng bá tiềm năng du lịch, kết nối với các đơn vị lữ hành trên toàn quốc mà còn là dịp để giới thiệu, mời chào các DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch… Từ đó, xây dựng Hà Tĩnh thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách muôn phương.
thiết kế & kỹ thuật: huy tùng - khôi nguyễn