Công trình nhà Cung cấm và thượng điện thuộc Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) vừa được trùng tu với tổng kinh phí 11 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Dịp cuối tháng 9/2023 vừa qua, UBND xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) đã tổ chức lễ khánh thành tu bổ, tôn tạo công trình cung cấm và thượng điện thuộc đền thờ Truông Bát với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này hoàn toàn do chính quyền địa phương và Ban quản lý đền vận động các mạnh thường quân tài trợ.
Nghệ nhân ưu tú Ngô Thành Cẩn - Thủ nhang đền Truông Bát cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi khi việc trùng tu, tu bổ đền được các mạnh thường quân là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhiệt tình ủng hộ. Với việc khánh thành nhà cung cấm và thượng điện lần này, di tích đang dần được hoàn thiện các hạng mục tổng thể của một công trình văn hóa tâm linh hàng trăm năm tuổi".
Bên trong nhà cung cấm và thượng điện của Đền Truông Bát vừa được tôn tạo.
Đền Truông Bát thờ bà Chúa Lộc, tên thật là Phạm Thị Thỏa, tương truyền là một nữ tướng anh dũng của nghĩa quân Lam Sơn, do Lê Lợi (1385 -1433) lãnh đạo. Bà đã góp phần đánh bại giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập cho non sông đất nước. Sau khi mất, bà được an táng tại Truông Bát và được Nhân dân lập đền phụng thờ.
Sau nhiều thăng trầm của thời gian, đền thờ bị xuống cấp. Năm 2006, Nghệ nhân ưu tú Ngô Thành Cẩn đã xin phép chính quyền, kêu gọi Nhân dân trùng tu, tôn tạo lại một phần di tích. Năm 2011, đền được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2021, nhằm tiếp tục nâng cấp công trình, Ban quản lý đền cùng xã Ngọc Sơn tiếp tục vận động kêu gọi xây dựng nhà cung cấm và thượng điện. Công trình được hoàn thành vào tháng 9/2023 với tổng kinh phí 11 tỷ đồng từ nguồn huy động xã hội hóa.
Cổng vào Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà).
Cùng với đền Truông Bát, sau nhiều năm xuống cấp, hiện nay, di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ danh nhân Nguyễn Sỹ Quý ở xã Việt Tiến (Thạch Hà) cũng đã được trùng tu, tôn tạo. Công trình có vốn đầu tư 8 tỷ đồng, trong đó, ngoài 150 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, số tiền còn lại đều do nguồn vận động từ con cháu danh nhân và Nhân dân đóng góp.
Nhà thờ Nguyễn Sỹ Quý ở xã Việt Tiến (Thạch Hà) đang gấp rút hoàn thành.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thạch Hà cho biết: "Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên toàn huyện đã vận động nguồn xã hội hóa trên 30 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, ngoài đền Truông Bát, nhà thờ Nguyễn Sỹ Quý, còn có nhiều công trình khác như: nhà thờ Nguyễn Doãn Tình (Thạch Sơn), Phạm Duy Hiệu (Thạch Long)... Việc huy động nguồn xã hội hóa có ý nghĩa lớn khi kịp thời nâng cấp di tích, chống xuống cấp, đồng thời phát huy giá trị di tích trong đời sống Nhân dân".
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hương Khê cũng đã huy động gần 32 tỷ đồng để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích như: Di tích Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc (xã Hương Trạch), Đền thờ và Lăng mộ Đức Đại Vương Dương Đô (xã Phúc Đồng)...
Di tích “Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc” (xã Hương Trạch, Hương Khê) sau khi được đầu tư tôn tạo.
Trong đó, di tích lịch sử văn hóa quốc gia “Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp II Hương Phúc” đã đầu tư tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ 700 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa); Đền thờ và Lăng mộ Đức Đại Vương Dương Đô (xã Phúc Đồng) huy động được 30 tỷ đồng (do Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam tài trợ)... Hiện nay, công trình Đền thờ và Lăng mộ Đức Đại Vương Dương Đô đang tiến hành tu bổ, tôn tạo và nâng cấp hạng mục lăng mộ với dự toán 3,8 tỷ đồng, các hạng mục khác sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Một phần Đền thờ và Lăng mộ Đức Đại Vương Dương Đô (xã Phúc Đồng, Hương Khê) vừa được tiến hành tu bổ, tôn tạo.
Cùng với Thạch Hà, Hương Khê, thời gian qua, nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh như: Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Sơn... cũng đã huy động xã hội hóa hàng chục tỷ đồng để trùng tu phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.
Nhà thờ danh nhân Vũ Duy Áng và Vũ Duy Dư ở xã Vượng Lộc (Can Lộc) được khánh thành dịp tháng 8/2023, với vốn đầu tư 1,076 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 120 triệu đồng, còn lại do con cháu và Nhân dân đóng góp.
Qua khảo sát gần đây trên toàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy tình trạng các di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp khá nhiều. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, các địa phương tích cực vận động, kêu gọi Nhân dân và các nhà tài trợ trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Mong muốn, thời gian tới, các địa phương tiếp tục phát huy nội lực, cùng các cấp, ngành nỗ lực hơn nữa trong công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích, góp phần phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử trong đời sống Nhân dân.