Lính mũ nồi xanh Việt Nam tại “vùng lửa đạn” Trung Phi

Cộng hòa Trung Phi - nơi có sự xuất hiện của những người lính Việt Nam, được xem là một trong những nước bất ổn nhất thế giới.

Mối tương đồng từ quá khứ

Tình trạng xung đột, nội chiến tại Liên hiệp Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) đã diễn ra từ năm 2012 đến nay. Đây được xem là một trong những “điểm nóng” hàng đầu trên thế giới, với 15 phe phái vũ trang bên cạnh lực lượng của chính phủ do Tổng thống Faustin-Archange Touadera cầm quyền.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam tại “vùng lửa đạn” Trung Phi

Lính mũ nồi xanh tại CH Trung Phi

Hiện tại, Việt Nam đang đóng góp 6 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi, với tư cách là Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng ta khi đặt chân đến đây đã tỏ ra bất ngờ trước tình cảm mà người dân Trung Phi dành cho Việt Nam.

Trung tá Hoàng Trung Kiên hiện đang có nhiệm kỳ thứ hai tại Cộng hòa Trung Phi với nhiệm vụ là sĩ quan tác chiến. Nhiệm kỳ đầu, Trung tá Kiên làm việc tại Thủ đô Bangui (Cộng hòa Trung Phi) từ năm 2015-2016. Nhiệm vụ của anh là tổng hợp các tin tức hàng ngày, báo cáo vụ việc liên quan đến tác chiến từ các phân khu trong toàn Phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi; sau đó tổng hợp thành báo cáo gửi tới trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trung tá Kiên tiếp tục được cử đi nhiệm kỳ hai với công việc tương tự. Nhiệm kỳ 2 kéo dài 1 năm và anh bắt đầu lên đường từ tháng 6/2019.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam tại “vùng lửa đạn” Trung Phi

Trung tá Hoàng Trung Kiên trong buổi trao đổi với PV VOV.VN. (Ảnh: Trọng Phú)

“Tôi cảm thấy vừa bất ngờ, vừa tự hào khi giới thiệu mình là người Việt Nam, bạn bè ở Trung Phi đều tỏ ra rất thiện cảm. Họ thốt lên “Ồ Việt Nam” và thậm chí nhiều người ở đó còn thuộc làu lịch sử, những cuộc kháng chiến của Việt Nam. Có thể nói, họ dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam”- Trung tá Hoàng Trung Kiên chia sẻ với phóng viên VOV trong kỳ nghỉ ngắn ngày tại Hà Nội trung tuần tháng 12 này.

Ngược lại lịch sử, Trung Phi và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Cộng hòa Trung Phi cũng từng là thuộc địa của Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, người dân Trung Phi đã biết đến Việt Nam và lấy đó làm hình mẫu, mở ra làn sóng giành tự do và độc lập. Đến năm 1960, họ đã thành công và tuyên bố độc lập. Vì thế, có thể hiểu được tại sao người dân Trung Phi biết đến Việt Nam và dành nhiều thiện cảm cho đất nước Việt Nam.

Mặc dù vậy, từ năm 2012 đến nay Trung Phi đã rơi vào vòng xoáy nội chiến. Cũng vì thế mà lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có mặt ở đây. Trong số 43 quốc gia gửi lực lượng sang Trung Phi, Việt Nam cũng cử một phái bộ, hiện có 6 thành viên. Có thể nói, họ là những người lính đang đứng ở tuyến đầu trong việc bảo vệ hòa bình thế giới, bất chấp những hiểm nguy rình rập.

Trung tá Hoàng Trung Kiên cho biết, tại Trung Phi có nhiều lực lượng vũ trang, bên cạnh quân của Chính phủ. Ngoài những xung đột về lợi ích của các phe, còn tồn tại những mâu thuẫn giữa các tôn giáo. Người dân Trung Phi thì tàng trữ rất nhiều súng. Ngay tại thủ đô Bangui, có những cuộc chiến xuất phát từ mâu thuẫn tôn giáo, kéo dài cả tháng trời. Người dân hai phe tự bắn lẫn nhau, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

“Việc đối diện với nguy hiểm, tiếng súng đạn bên tai là điều khó tránh khỏi. Trải qua hai nhiệm kỳ, tôi cũng đã quen với điều đó. Lực lượng của Liên Hợp Quốc định ra một số quy tắc để đảm bảo an toàn. Nếu anh tuân thủ các quy tắc đó thì tỷ lệ rủi ro sẽ giảm đi nhiều” – Trung tá Hoàng Trung Kiên nói.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam tại “vùng lửa đạn” Trung Phi

Đại úy Trần Thanh Sơn trong một lần đi tuần tra tại Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: NVCC)

Những cuộc tuần tra tại “điểm nóng”

Sau 6 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi, Đại úy Trần Thanh Sơn đã cảm nhận được phần nào những khốc liệt của một đất nước bị nội chiến tàn phá. Với tư cách một người lính mũ nồi xanh, Đại úy Trần Thanh Sơn có nhiệm vụ hàng ngày là đi tuần tra, theo dõi các “điểm nóng” trên nhiều địa bàn khắp đất nước Cộng hòa Trung Phi để chụp ảnh, quay flycam báo cáo thông tin về cơ quan đầu não của phái bộ ở thủ đô Bangui. Công việc này khiến anh phải di chuyển liên tục, thường không ở quá lâu tại một địa điểm nào.

Đại úy Trần Thanh Sơn chia sẻ: “Khi mới sang đây, nói thật là tôi cũng run, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm và ở một môi trường mới, chúng tôi phải tập cách thích nghi. Có những lần đi tuần tra, chúng tôi gặp phải những vụ việc như giết người, cướp của. Ngay cả xe của Liên Hợp Quốc cũng có những lúc bị cướp chặn lại. Họ vu cho mình tội chụp ảnh, yêu cầu mình phải nộp tiền, hoặc đồ ăn. Hoặc những tình huống người dân cầm súng đi ngoài đường, chẳng may súng cướp cò thì họ lại vu cho mình. Có những người đập cả kính xe. Tuy nhiên, mỗi đoàn xe của Liên Hợp Quốc đều có xe hộ tống theo sau, nên cũng không quá nguy hiểm”.

“Hoặc có lần, chúng tôi đi tuần tra thì gặp hai nhóm vũ trang đang bắn nhau. Tình cờ phát hiện một bé gái khoảng 5 tuổi ở gần đấy, lực lượng đưa cháu bé lên xe, để giữ an toàn cho cháu bé. Khi đó, hai phe bắn nhau lại quy cho mình tội bắt cóc trẻ em. Họ vây xe và mình phải gọi lực lượng phản ứng nhanh đến tiếp ứng. Sau đó, phải gọi trưởng làng ra nói chuyện, hòa giải thì mới được đi tiếp”. – Đại úy Sơn nói.

Gian nan, vất vả là thế nhưng theo Đại úy Sơn, cán bộ chiến sĩ trong phái bộ luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, mang đến hình ảnh của người lính “Cụ Hồ” đến với bạn bè quốc tế.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam tại “vùng lửa đạn” Trung Phi

Đại úy Trần Thanh Sơn hỗ trợ người dân bản địa. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, những cán bộ, chiến sĩ trong phái bộ hoạt động tại Cộng hòa Trung Phi còn đóng vai trò như một “đại sứ”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng khẳng định: Mỗi người lính Việt Nam làm việc tại nước ngoài có trách nhiệm quảng bá, tôn vinh hình ảnh của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là ngoại giao đơn thuần mà là làm thật, việc thật – một thử thách khó khăn với nhiều quốc gia.

Ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh, những chiến sĩ thuộc phái bộ Trung Phi còn hỗ trợ người dân bản địa trong những công việc hàng ngày như: Hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, các loại cây chữa bệnh, kinh nghiệm để đảm bảo an toàn bản thân...

Đại úy Trần Thanh Sơn chia sẻ: “Khi mình sẵn lòng giúp đỡ người dân bản địa thì dần dần họ cũng có tình cảm với mình. Có những địa phương chúng tôi hoạt động một thời gian rồi chuyển sang khu vực khác. Nhưng người dân ở đấy vẫn nhớ đến mình và khi lực lượng của nước khác đến, người dân địa phương vẫn hỏi thăm về những người lính Việt Nam”.

Có lẽ, không cán bộ chiến sĩ nước nào lại nhận được tình cảm yêu quý từ người dân Trung Phi như những người lính Việt Nam. Đây cũng là tấm “kim bài” giúp cán bộ chiến sĩ của chúng ta dễ dàng hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ ở điểm nóng Trung Phi./.

Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA) được thành lập vào tháng 4/2014, chia làm 4 phân khu (Đông, Tây, trung tâm và thủ đô). Hiện 43 quốc gia gửi lực lượng tham gia.

Trong đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng góp 6 cán bộ, chiến sĩ. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo vệ dân thường, hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Phi trong bối cảnh nhiều nhóm vũ trang khác nhau đang hoạt động.

Theo VOV

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.