Lính Mỹ bối rối khi canh mỏ dầu Syria

Tổng thống Donald Trump muốn bảo vệ các mỏ dầu tại Syria, nhưng quân đội không nhận được mệnh lệnh cụ thể và không có cơ sở pháp lý để làm nhiệm vụ.

Sau khi đột ngột tuyên bố rút gần như toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi đông bắc Syria đầu tháng trước, Tổng thống Donald Trump lại đảo ngược tiến trình khi nói rằng sẽ duy trì lực lượng tại nước này nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các giếng dầu. “Chúng tôi đang bảo vệ nguồn dầu. Tôi luôn nhấn mạnh mục tiêu này”, ông phát biểu trước các sĩ quan cảnh sát tại Chicago hôm 28/10.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 27/10, ông Trump cũng bày tỏ mong muốn đạt thỏa thuận với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil hoặc một công ty khác của Mỹ để “khai thác dầu một cách đúng đắn và lan tỏa sự giàu có”.

Ông giải thích rằng dầu mỏ ở Syria rất có giá trị vì đây từng là nguồn thu quan trọng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc kiểm soát các mỏ dầu có thể giúp hỗ trợ dân quân người Kurd và Mỹ “cũng nên có phần của mình”. Washington sau đó điều thêm binh sĩ cùng xe tăng, xe bọc thép tới Deir Ezzzor để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn dầu ở đông bắc Syria.

Lính Mỹ bối rối khi canh mỏ dầu Syria

Đoàn xe thiết giáp Mỹ tuần tra gần một giếng dầu tại tỉnh Hasakeh, đông bắc Syria hôm 6/11. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, khi binh sĩ Mỹ được triển khai tới khu vực Deir Ezzzor bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra quanh mỏ dầu, họ chưa nhận được mệnh lệnh cụ thể nào về các chi tiết quan trọng liên quan đến hoạt động của mình, theo một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề. Các chỉ huy Mỹ tại Syria phải vật lộn trong nỗi hoang mang bởi nhiệm vụ của họ được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau.

Không có nhiệm vụ được phê duyệt nào nêu cụ thể cách quân đội Mỹ “kiểm soát” nguồn dầu, bao gồm thời điểm tuần tra hay khi nào thì được dùng vũ lực, cũng không có quyết định về việc liệu có nên bảo vệ các mỏ dầu khác ở đông bắc Syria ngoài khu vực Deir Ezzzor, nơi họ đang hiện diện, hay không.

Theo bình luận viên Barbara Starr và Nicole Gaouette của CNN, có lẽ điều quan trọng nhất là quân đội Mỹ không biết chính xác họ phải chống lại ai tại các mỏ dầu. Thông tin về "kẻ thù" chính xác giúp họ nhận định tình huống và biết được khi nào được phép nổ súng, đồng thời giúp các nhà hoạch định quân sự ước tính số binh sĩ và phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc tuần trước, khi được hỏi liệu nhiệm vụ của quân đội Mỹ có bao gồm “ngăn chặn lực lượng Nga và Syria” tiếp cận các mỏ dầu hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết “câu trả lời ngắn gọn là có, bởi trong trường hợp đó Washington muốn đảm bảo Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) có quyền tiếp cận nguồn tài nguyên”.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ chưa có quyết định nào về vai trò trên chiến trường của quân đội Mỹ tại các mỏ dầu được đưa ra, dù đó là điều mà họ vô cùng mong mỏi, và cũng chưa có phương án xử lý nào trong trường hợp lực lượng Nga hoặc Syria tiến lại gần.

Quyết định bổ sung thêm binh sĩ và phương tiện chiến đấu tại Syria được cho là mâu thuẫn với tuyên bố ban đầu của Trump rằng ông muốn thoát khỏi các cuộc chiến “không có hồi kết” ở Trung Đông. Các quan chức an ninh và đảng Cộng hòa dường như đã khiến ông chủ Nhà Trắng đổi ý bằng cách đưa ra lý do bảo vệ nguồn dầu mỏ, thứ mà Trump luôn quan tâm.

“Các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp và nhà ngoại giao của chúng tôi không muốn rời khỏi Syria”, William Wechsler, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho biết. Ông giải thích rằng những lập luận có khả năng thuyết phục các tổng thống khác như duy trì uy tín và sự răn đe của nước Mỹ, chống khủng bố hay kiềm chế Iran, đều không có tác dụng với Trump. Lý do duy nhất phát huy hiệu quả chính là dầu mỏ.

“Dầu mỏ là điều duy nhất có sức ảnh hưởng với Trump, do đó nó trở thành cái cớ để Mỹ duy trì lực lượng tại Syria và bảo vệ các lợi ích khác”, Wechsler cho hay. Lập luận này dường như đã đạt được mục đích, nhưng lại “mở ra một loạt câu hỏi khác”, ông nói thêm.

Lính Mỹ bối rối khi canh mỏ dầu Syria

Vị trí các mỏ và cơ sở dầu khí trọng yếu của Syria. Đồ họa: EIA.

Theo Wechsler, hiện chưa rõ cơ sở pháp lý để Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng quân sự tại Syria, đặc biệt khi chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad không đề nghị điều đó. Những câu hỏi để ngỏ khác bao gồm nhiệm vụ chính xác của họ là gì, đâu là các quy tắc can thiệp ngoài tự vệ, hay như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ.

Phát biểu trước các cảnh sát Chicago hôm 28/10, Trump không trả lời những câu hỏi đó, mà chỉ nhấn mạnh rằng Mỹ “đang bảo vệ nguồn dầu”. Tuyên bố này khiến Trump bị Tổng thống Assad mỉa mai trên truyền hình quốc gia Syria hôm 31/10 rằng “ít nhất thì ông ấy cũng thành thật”.

Chưa rõ chính phủ Mỹ sẽ dựa vào căn cứ pháp lý nào để kiểm soát hoặc hút dầu ở Syria. Giới chuyên gia cho biết Mỹ có thể áp dụng Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF), cơ sở pháp lý cho phép Mỹ chống lại IS tại Syria, để ngăn các mỏ dầu tại nước này rơi vào tay nhóm phiến quân. Tuy nhiên, trong trường hợp quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga muốn giành lại những mỏ dầu nằm trên lãnh thổ hợp pháp của họ, các chỉ huy Mỹ khó có thể ra lệnh không kích hoặc khai hỏa đáp trả dựa trên căn cứ này.

Quan chức quốc phòng giấu tên cho biết quân đội Mỹ hiện nay coi nhiệm vụ của mình tại Syria là “phòng thủ trước bất kỳ sự xâm nhập nào để tạo điều kiện cho SDF ngăn IS tiếp cận các mỏ dầu”. Bộ trưởng Esper cũng nói rằng họ sẽ giúp SDF bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ “chiếm” các mỏ dầu như Trump nói hay không, Esper đáp rằng nhiệm vụ của họ là “ngăn IS tiếp cận”.

Thêm vào đó, trong khi Trump bày tỏ mong muốn để các công ty Mỹ khai thác dầu tại Syria, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman hôm 7/11 cho biết doanh thu từ nguồn tài nguyên này “sẽ không chuyển cho Mỹ mà thuộc về SDF”.

Trong trường hợp Washington không nhận được bất cứ phần lợi nhuận nào từ dầu mỏ ở Syria, lý do chính khiến Trump duy trì hiện diện quân sự tại nước này sẽ không còn. Khi đó, quyết định giữ binh sĩ tại Syria một lần nữa không có nghĩa lý gì, bình luận viên Alex Ward của Vox đánh giá.

Theo VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.