Phân bố đầu đạn hạt nhân trên thế giới
Nguồn tin giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết Nga muốn tăng cường đáng kể kho vũ khí hạt nhân từ 7000 đầu đạn hiện nay lên 8.000 đầu đạn vào năm 2026 bằng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ, Popular Mechanics ngày 14/12 đưa tin.
Hiệp định kiểm soát vũ trang ký với Mỹ giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga có thể triển khai cùng lúc là 1.550 đầu đạn. Số còn lại phải được cất trong kho ở tình trạng không triển khai.
Tuy nhiên, hiệp định này chỉ mang tính ràng buộc với các đầu đạn hạt nhân chiến lược, có sức công phá trên 100 kiloton, tương đương 100.000 tấn thuốc nổ TNT. Chúng được dùng để tấn công kho vũ khí hạt nhân, phá hủy căn cứ quân sự hoặc xóa sổ các thành phố của đối phương nếu cần thiết.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật hay "phi chiến lược" có sức công phá dưới 100 kiloton, thường được sử dụng để tấn công các đơn vị bộ binh hoặc hạm đội tàu chiến, không bị ràng buộc bởi các hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Nga có thể tận dụng lỗ hổng này để tăng cường đáng kể kho vũ khí hạt nhân, nâng tổng số đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật mà họ sở hữu từ 7.000 lên mức 8.000. Một vài loại đầu đạn chiến thuật trong số đó có thể được lắp trên các hệ thống vũ khí chiến lược như ICBM.
Moscow được cho là đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân chiến thuật thế hệ mới có sức công phá chỉ 1-10 kiloton, nhỏ hơn hai quả bom ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến II. Một số đầu đạn được xếp vào dạng "sạch", tạo ra rất ít chất phóng xạ, trong khi số khác lại là bom neutron, có khả giải phóng lượng lớn bức xạ để tiêu diệt nhân lực đối phương mà không gây hư hại cơ sở hạ tầng.
Các hệ thống ICBM RS-24 Yars chiến lược của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định có một số lý do khiến Nga muốn tăng cường đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Moscow đang cảm thấy bị đe dọa bởi lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo đang được Washington phát triển, đặc biệt là những khí tài có thể bắn hạ ICBM như Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).
GMD được coi là nguy cơ làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Nga. Việc triển khai lượng lớn đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp lên ICBM có thể là biện pháp đáp trả động thái tăng cường lá chắn GMD của Mỹ.
Một khả năng khác là quá trình chế tạo vũ khí thông thường của Nga không được như kỳ vọng, trong khi vũ khí hạt nhân chiến thuật là giải pháp rẻ nhưng đảm bảo được năng lực phòng thủ mạnh.
Hàng loạt kế hoạch tham vọng như đóng siêu tàu sân bay lớp Shtorm, dự án xe tăng T-14 Armata tối tân và tiêm kích thế hệ 5 Su-57 đều gặp khó khăn vì thiếu kinh phí. Vũ khí hạt nhân sẽ giúp Nga duy trì khả năng răn đe trong bối cảnh nước này gặp khó khăn về kinh tế do cấm vận từ phương Tây và giá dầu giảm.