Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Báo Financial Times ngày 12/9 đưa tin Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang xem xét cùng Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu mỏ của Nga để ứng phó với áp lực ngày càng tăng từ việc giá năng lượng leo thang.
Trả lời phỏng vấn của báo trên khi được hỏi liệu Indonesia có mua dầu mỏ của Nga hay không, Tổng thống Widodo cho hay: “Chúng tôi luôn cân nhắc mọi lựa chọn. Nếu có nước nào đó và họ đưa ra một mức giá tốt hơn thì lựa chọn đó là đương nhiên.”
Trước đó, hồi tháng Tám, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết Nga đã đưa ra mức giá bán dầu mỏ thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế cho nước này.
Bộ trưởng Uno cho biết: “Tổng thống Joko Widodo đang xem xét đề nghị này nhưng đang có sự bất đồng do có những lo ngại rằng chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.”
Mỹ hiện đang thúc đẩy việc áp mức giá trần đối với dầu mỏ Nga và việc mua dầu mỏ của Nga trên mức giá trần mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí có thể khiến Indonesia đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu họp báo ngày 7/9 vừa qua, Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobyova cho biết công ty dầu khí quốc doanh Pertamina của Indonesia đang đàm phán mua dầu thô từ Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Vorobyova cho hay: “Pertamina đang liên hệ với phía Nga, đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Nga sẵn sàng và các điều kiện đang được thương lượng giữa các cơ quan và công ty có liên quan. Kết quả sẽ được thông báo.”
Indonesia xem xét mua dầu thô từ Nga trong bối cảnh chính phủ đang tìm cách bảo vệ người tiêu dùng trước vấn đề chi phí năng lượng quốc tế tăng cao.
Đầu tháng này, Tổng thống Widodo đã phải quyết định tăng khoảng 30% giá nhiên liệu vốn được trợ giá trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực kiềm chế ngân sách dành cho trợ cấp năng lượng gia tăng.
Giá dầu mỏ tăng vọt trong năm nay đang khiến ngân sách nhà nước căng thẳng sau khi Chính phủ Indonesia tăng trợ cấp để giữ giá nhiên liệu trong nước, đồng thời nỗ lực thúc đẩy kế hoạch củng cố tài khóa theo đúng tiến độ.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này ghi nhận vào tháng 8 vừa qua là 4,69%, cao hơn so với phạm vi mục tiêu từ 2%-4% mà Ngân hàng trung ương Indonesia đặt ra, do giá lương thực tăng cao.