Người dân tại các quốc gia Đông Nam Á thường dành phần lớn thời gian trong một ngày để tham gia giao thông. Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), các tài xế tại hai thành phố lớn - Hà Nội và TP.HCM lần lượt tốn trung bình 58 phút/ngày và 51 phút/ngày để di chuyển tới nơi làm việc và trở về nhà. Không chỉ ở Việt Nam, người dân tại các thành phố lớn khác trong khu vực Đông Nam Á cũng phải dành thời gian di chuyển bằng ô tô nhiều hơn so với mức trung bình toàn cầu (42 phút/ngày), nổi bật là Băng Cốc (72 phút), Manila (66 phút)…
Đối mặt với tình trạng giao thông tắc nghẽn ở nhiều đô thị lớn hiện nay cũng như các tài xế thiếu ý thức khác có thể là điều căng thẳng nhất mà mỗi người phải đối mặt hàng ngày. Chính vì vậy, chúng ta cần làm chủ hành động của mình, suy nghĩ về các giải pháp giảm thiểu căng thẳng và trở thành một “tài xế điêu nghệ”.
Vậy thế nào là “tài xế điêu nghệ”? Vô cùng đơn giản - hãy nhận biết và kiểm soát tối đa các tình huống trước mắt và lường trước những trường hợp bất ngờ. Bạn chỉ cần bình tĩnh lại, thư giãn và tập trung vào những điều quan trọng với bạn thay vì để các yếu tố bên ngoài làm bạn căng thẳng khi lái xe. Dưới đây là một số gợi ý giúp cho việc di chuyển trên đường mỗi ngày của bạn trở nên thú vị hơn.
1. Bắt đầu bằng việc dọn dẹp lại chiếc xe
Chỉ sau một khoảng thời gian sử dụng, bụi bẩn và rác thải bắt đầu tích tụ trên xe của bạn. Dù điều này không quá ảnh hướng đến việc vận hành của xe, nhưng nếu khoang nội thất được dọn dẹp thường xuyên sẽ mang đến trải nghiệm tuyệt vời hơn cho bạn và những hành khách trên xe. Bạn sẽ dễ dàng suy nghĩ thấu đáo hơn khi không có quá nhiều thứ “gây khó chịu" quanh mình. Vì vậy hãy dành vài phút để dọn rác bẩn và mang những đồ vật không cần thiết ra khỏi xe.
2. Giảm sự lo lắng vào buổi sáng
Đi làm sát giờ sẽ tạo ra căng thẳng, vì vậy hãy dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị vào mỗi buổi sáng. Xuất phát muộn đồng nghĩa bạn sẽ đến công ty muộn. Đồng thời, bạn cũng nên dự trù một khoảng thời gian cho những sự cố bất ngờ có thể gặp phải trên đường. Rời khỏi nhà sớm hơn vài phút cũng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn, nhất là vào giờ cao điểm. Hãy lướt nhanh qua các ứng dụng định vị trên xe để biết về lưu lượng xe đang di chuyển trên lộ trình thông thường của bạn, từ đó có kế hoạch phù hợp.
3. Tạo không gian thư giãn
Một yếu tố khác có thể mang đến sự thư thái khi lái xe đó là mùi hương trong khoang xe bởi khứu giác là một trong những giác quan mạnh mẽ nhất của con người. Mặc dù đa số mọi người đều yêu thích mùi của một chiếc xe nguyên bản, nhưng có những mùi hương khác cũng giúp bạn tỉnh táo và thoải mái hơn. Theo nghiên cứu của Đại học Kyoto - Nhật Bản, những mùi sau đây sẽ giúp giải tỏa tâm trí khi bị căng thẳng:
Hương chanh giúp tập trung và thư giãn
Hương hoa oải hương giúp kiểm soát căng thẳng
Hương hoa nhài làm dịu thần kinh và tăng sự tự tin
Hương quế giúp giảm mệt mỏi và tăng sự tập trung
4. Giảm nhẹ chân ga
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Giao thông Vận tải của Đại học Michigan, thói quen đạp mạnh chân ga để tăng tốc nhanh sẽ khiến chiếc xe của bạn càng tốn nhiều nhiên liệu hơn, trung bình khoảng từ 20 - 30%.Bằng cách điều chỉnh chân ga phù hợp, bạn không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, mà còn cảm thấy thư giãn hơn khi cầm lái cũng như tập trung để ý và xử lý các tình huống bất ngờ. Thêm vào đó, đi chậm lại cũng giúp tâm trạng của bạn thư thái hơn.
5. Cảm thấy căng thẳng? Hãy chuyển nhạc
Âm nhạc sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Các bài nhạc có tiết tấu mạnh đồng thời cũng có thể khiến bạn dễ xúc động và gặp căng thẳng. Nếu bạn cảm thấy như vậy, hãy chuyển sang loại nhạc nhẹ nhàng và thư giãn hơn. Các nghiên cứu cho thấy việc chủ động chuyển sang nghe các giai điệu nhẹ nhàng sẽ giúp xoa dịu tinh thần hiệu quả hơn so với việc bạn để cơ thể tự thích ứng với nhạc sôi động. Tốt hơn hết, hãy chuyển sang nghe sách nói điện tử hoặc các chương trình hài kịch. Tiếng cười không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn được chứng minh là tốt cho hệ tim mạch, hô hấp và cơ bắp.
6. Đừng để những tài xế khác làm ảnh hưởng tới tâm lý của bạn
Phớt lờ, nhưng không có nghĩa là bỏ qua. Đừng để sự căng thẳng của những tài xế khác ảnh hưởng đến cách bạn điều khiển xe. Một người lái xe an toàn sẽ luôn đề cao cảnh giác mọi lúc trên đường.
Dù luôn tuân thủ tốc độ giới hạn, hoặc duy trì tốc độ ổn định với Hệ thống Kiểm soát Hành trình Tự động, bạn vẫn có thể gặp những tài xế luôn sẵn sàng cắt ngang để chen vào khoảng trống phía trước hoặc bám sát phía sau, nháy đèn liên tục buộc bạn phải nhường đường. Bên cạnh đó, sẽ luôn có những tài xế khác mất kiên nhẫn vượt đèn đỏ, như thể họ đang chuẩn bị bước vào một cuộc đua tốc độ, cũng như đột ngột chuyển làn mà không dùng xi-nhan.
Hãy để họ làm điều họ muốn. Nhường cho những chiếc xe đó vượt qua, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm, và không có nghĩa vụ phải chỉ ra đúng sai cho họ. Bạn chỉ cần tập trung vào việc lái xe của mình và cố gắng hết sức để tránh những hậu quả đáng tiếc.
7. Hít thở sâu và thư giãn
Tâm trí con người có nội lực mạnh mẽ, và có thể được rèn luyện để duy trì trạng thái thư giãn và tăng cường sự tập trung. Một bài tập hữu ích có thể áp dụng ngay tại chỗ là kỹ thuật thở một-một, nghĩa là hít vào, thở ra với cùng một nhịp và cường độ. Một hơi thở sâu tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể hấp thụ đầy đủ khí oxy, điều hòa nhịp tim và ổn định huyết áp. Trong khi đó, việc hít thở nông sẽ không nạp đủ không khí tới đáy phổi, là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy lo lắng và khó thở.
Theo Thethaovanhoa