Các sư thầy cử hành nghi lễ tại lễ khánh thành trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Cả (Ích Hậu) vào năm 2019. Ảnh tư liệu
Đền Cả (Ích Hậu) còn gọi là Đền Lớn hay Tam tòa Đại vương, được hình thành từ thế kỷ XI. Đền được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992, nhưng do các biến cố của lịch sử, di tích đã bị xuống cấp trầm trọng.
Sau khi có chủ trương tôn tạo từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, con cháu xã Ích Hậu sinh sống trên khắp cả nước, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp gần 15 tỷ đồng để phục dựng lại di tích có ý nghĩa quan trọng này.
Đền thờ danh nhân Nguyễn Văn Giai (Ích Hậu) đã được trùng tu nhiều hạng mục
Được biết, trên địa bàn xã Ích Hậu, nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời như đền thờ Nguyễn Văn Giai, Phan Đình Bút, Bùi Gia Cường, Cồn Khái, Trần Đức Mậu… cũng đã được tôn tạo, hoàn thiện nhờ thực hiện tốt chủ trương huy động nguồn xã hội hoá, đặc biệt là từ con cháu trong dòng họ.
Chủ tịch UBND xã Ích Hậu Nguyễn Xuân Quân cho biết: “Sau tôn tạo, trùng tu, các di tích tiếp tục được xã, dòng họ quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân trên địa bàn, tạo điểm nhấn về cảnh quan cho địa phương”.
Nhờ vào nguồn đóng góp của con cháu, nhà thờ Nguyễn Xứng đã được trùng tu.
Nhà thờ Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân - Uy Võ Hầu Nguyễn Xứng (xã Mai Phụ) sau gần 1 năm xây dựng đã hoàn thành với 3 phần: thượng điện, trung điện, hạ điện… với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng.
“Nhà thờ hoàn thành được là nhờ vào nguồn đóng góp của con cháu trong dòng họ và sự ủng hộ của chính quyền và bà con Nhân dân, tiêu biểu là gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (TP. Hồ Chí Minh) 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Sỹ Huề (Hà Nội) 50 triệu đồng… Chúng tôi rất vui mừng vì từ nay có chỗ sinh hoạt trang nghiêm, rộng rãi và cũng tạo điều kiện để bà con trong xã tới thắp hương, dâng lễ thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Tiến Tân, Phó ban quản lý Nhà thờ Nguyễn Xứng chia sẻ.
Người dân ủng hộ ngày công xây dựng mương thoát nước phía trước cổng vào đình Đỉnh Lự (xã Tân Lộc) - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tĩnh.
Huyện Lộc Hà có 59 di tích được xếp hạng (53 di tích cấp tỉnh, 6 di tích cấp quốc gia). Từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền từ nguồn xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo đạt hơn 23,5 tỷ đồng. Nhiều công trình đã huy động được sự ủng hộ lớn từ con em trong dòng họ, các doanh nghiệp.
Đình Đỉnh Lự xây dựng khuôn viên mới từ nguồn xã hội hoá.
Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là hướng dẫn, giám sát việc trùng tu, tôn tạo; khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tiếp tục tham gia đóng góp.