Chiều 2/4, Đoàn Kiểm tra số theo Quyết định số 131 của BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh có buổi làm việc với huyện Lộc Hà về các vấn đề liên quan đến công tác bầu cử.
Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ.
Thực hiện Quyết định số 131-QĐ/TU, ngày 02/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Kiểm tra số 02 đã tiến hành kiểm tra tại huyện Lộc Hà từ ngày 2/3 đến nay. Nội dung kiểm tra là đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 46-CT/TU, ngày 07/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ báo cáo kết quả kiểm tra công tác bầu cử ở Lộc Hà.
Sau khi nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra của Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Hà, xem xét hồ sơ, tài liệu liên quan và làm việc trực tiếp tại thị trấn Lộc Hà và xã Thịnh Lộc, Đoàn Kiểm tra đánh giá: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuẩn bị bầu cử ở Lộc Hà được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo đúng theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW, Chỉ thị số 46-CT/TU và các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện công tác bầu cử từ huyện đến cơ sở; duy trì chế độ giao ban, bổ cứu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chủ động các phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ bầu cử… Nhờ vậy, các bước chuẩn bị đều cơ bản đảm bảo kịp thời, đúng quy định pháp luật, có chất lượng...
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Kiều Ngọc Tuấn trao đổi một số vấn đề tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, khiếu kiện, khiếu nại ở Lộc Hà.
Về nhân sự, huyện đã tiến hành thực hiện các bước giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp theo quy định và đến thời điểm kiểm tra thì đã hoàn thành hiệp thương lần 2. Hiện 2 ứng cử viên HĐND tỉnh, 60 ứng cử viên đại biểu HĐND huyện, 590 ứng cử viên HĐND cấp xã đang được lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri. Nhìn chung, công tác nhân sự đã được chuẩn bị kịp thời, đúng quy trình thủ tục, cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn thành phần, tỷ lệ cơ cấu theo luật định và hướng dẫn của cấp trên, nhất là tỷ lệ trẻ, nữ.
Ngoài ra, công tác thông tin, truyền thông về bầu cử được quan tâm; các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội đã được tăng cường; các vấn đề nhạy cảm đang được tập trung giải quyết; các điều kiện phục vụ bầu cử (con dấu, tài liệu, hòm phiếu, kinh phí…) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy ở Lộc Hà vẫn còn một số nhiệm vụ còn hạn chế như: thời gian đầu có một số xã chưa thực sự tập trung, thiếu tính toàn diện; việc nghiên cứu, cập nhật các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn về bầu cử chưa kịp thời, còn lúng túng; chưa tạo được nhiều phong trào thi đua hướng về ngày bầu cử; việc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tồn đọng đạt kết qủa chưa cao...
Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra và huyện Lộc Hà cũng tiến hành trao đổi, thông tin thêm đến một số vấn đề như: tình hình đơn thư khiếu nại, khiếu kiện còn tồn đọng; 28 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã từng bị xử lý kỷ luật (đã hết thời hiệu kỷ luật); một số địa phương để thất lạc con dấu bầu cử; một số địa bàn nhạy cảm, vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của huyện Lộc hà.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng đánh giá cao sự vào cuộc và kết quả chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ bầu cử trong thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu: Thời gian tới, Lộc Hà cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là đối với các nhiệm vụ được giao, nhất là những vấn đề nhạy cảm. Các văn bản chỉ đạo của cấp trên về bầu cử cần phải được quán triệt nghiêm túc, chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng...
Lộc Hà cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền theo hướng sâu rộng, đa dạng; tiến hành rà soát lại công tác nhân sự để đảm bảo chất lượng đại biểu, không để xẩy ra sai sót; triển khai đồng bộ các biện pháp để đảm bảo an ninh, an toàn; rà soát, phân loại để có hướng xử lý phù hợp đối với các đơn thư, vụ việc tồn đọng...