Lừa đảo qua mạng, chuyện dài nói mãi

(Baohatinh.vn) - Gần đây, một số người dân trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được các cuộc gọi vào số di động cá nhân với các nội dung như: Nợ tiền ngân hàng quá hạn thanh toán, nợ cước điện thoại, nhận bưu phẩm, bị ngân hàng xyz khởi kiện…

Những cuộc gọi này khiến không ít người dân hoang mang và dễ dàng “nộp” thông tin cá nhân để “phục vụ công tác điều tra”…

Chiều 22/4, chị H. (TP Hà Tĩnh) nhận được một cuộc gọi từ số 0243xxxx. Khi chị H. nghe máy thì đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ miền Nam (không nói trực tiếp mà được ghi âm từ trước) thông báo có người gửi cho chị một gói bưu phẩm, đề nghị bấm số 2 để biết chi tiết.

Lừa đảo qua mạng, chuyện dài nói mãi

Một số điện thoại lừa đảo với nội dung tương tự.

Sau khi làm đúng thao tác, chị H. được kết nối trực tiếp với một người đàn ông nghe máy, xưng là nhân viên bưu điện nói: “Chị có một bưu phẩm nay đã quá hạn, chị có muốn kiểm tra xem bưu phẩm là gì không?”. Sau khi được sự đồng ý của chị H., người xưng là nhân viên bưu điện thông tin: “Bưu phẩm của chị là đơn triệu tập của Toàn án quận Đống Đa – Hà Nội về việc Agribank Hà Nội có địa chỉ 211 – phố Xã Đàn – phường Nam Đông – quận Đống Đa khởi kiện chị về việc nợ quá hạn không thanh toán với số tiền là 45.986.350 đồng”.

Chị H. liền nói mấy năm nay chưa ra Hà Nội, không có tài khoản Agribank vậy sao có thể vay tiền ở ngoài đó. Người xưng là nhân viên bưu điện cho biết, đây có khả năng là vụ lừa đảo, vậy cần nối máy cho chị với công an để điều tra thêm.

Lừa đảo qua mạng, chuyện dài nói mãi

Facebook của Công an thị xã Hồng Lĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giống trường hợp của chị H.

Khi máy được chuyển tiếp, một người xưng là cán bộ điều tra của Công an Hà Nội đề nghị chị H. cung cấp một số thông tin liên quan để phục vụ công tác điều tra. Do quá hoang mang, lo lắng khi bỗng dưng thành “con nợ”, lại liên quan đến khởi kiện, tòa án nên khi được đề nghị cung cấp thông tin, chị H. đã “thật thà”, “thành khẩn”… khai báo.

Theo đó, “cán bộ điều tra của Công an Hà Nội” đã dễ dàng có được đầy đủ các thông tin cá nhân của chị C. như năm sinh, số chứng minh thư, nghề nghiệp, chỗ ở… và hứa "sẽ giải quyết".

Sau khi nhận điện thoại, chị H. như người mất hồn và lo lắng. Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, chị chia sẻ với một số bạn bè và được biết cũng nhiều người bỗng dưng bị tòa án triệu tập như chị. Tìm hiểu từ một số nguồn tin khác, chị H. biết được đây là một thủ đoạn lừa đảo không mới để lấy thông tin cá nhân. Do quá hoang mang, cũng như không bình tĩnh, chị H. đã để lộ thông tin một cách đáng tiếc. Và chắc chắn rằng, với những thông tin có được, những kẻ mạo danh, lừa đảo kia sẽ sử dụng vào những mục đích mờ ám nào đó.

Với những thủ đoạn tương tự như nhận bưu phẩm, đề nghị thanh toán cước điện thoại, nợ ngân hàng… từ các số điện thoại lạ, người dùng cần bình tĩnh, cân nhắc tránh trường hợp như chị H., bị mất thông tin cá nhân vào tay người khác.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...