Anh hùng Uông Xuân Lý kể chuyện phá bom cảm tử

Tháng bảy - mùa tri ân. Tôi đến thăm anh hùng Uông Xuân Lý. Trong căn nhà ở trung tâm TP Hà Tĩnh, ông nuôi thật nhiều chim cảnh. Ông nói như phân trần: “Già rồi, rỗi rãi nên “nuôi chim dưỡng trí”. Với lại, tiếng chim hót an lành làm dịu lòng tôi trước những âm hưởng đạn bom tàn khốc của ngày xưa vọng về”.

anh hung uong xuan ly ke chuyen pha bom cam tu

Anh hùng Uông Xuân Lý (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm về những năm tháng sát cánh bên nhau đảm bảo giao thông trên Ngã ba Đồng Lộc.

Rót cốc trà xanh mời khách, anh hùng Uông Xuân Lý hồi tưởng lại quá khứ, nhớ về những trận chiến oai hùng của ông và đồng đội tại Ngã ba Đồng Lộc đã góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến thần thánh của dân tộc. Trong đó, trận “phá bom cảm tử”, “mở đường máu” cho xe ra tiền tuyến của chính ông đã đi vào sử sách.

Dù đã được đọc nhiều lần, nhưng câu chuyện từ chính anh hùng Uông Xuân Lý - người Tổ trưởng Tổ cơ giới đã dùng chiếc máy ủi đẩy một quả bom ra khỏi trục đường chính tại Ngã ba Đồng Lộc vẫn cuốn tôi trở lại với thời khắc đầy khó khăn, thử thách năm nào.

Hôm đó, hơn trăm chiếc xe tải chở dược phẩm - chuyến hàng đặc biệt từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Hình như địch cũng “đánh hơi” thấy nên cách “đánh” cũng khác với quy luật hàng ngày. Suốt 3 ngày đó, từ sáng sớm đến chiều, địch cho máy bay dội bom băm nát tuyến đường, trời tối mới thả bom từ trường, bom nổ chậm để “đón lõng”.

Tối 13/6/1968, tại đầu phía Bắc Ngã ba Đồng Lộc, địch thả bom phong tỏa. Sau trận bom dữ dội, tổ phá bom của Anh hùng Vương Đình Nhỏ đã rà phá gần hết. Tuy vậy, tại địa điểm cầu Tối vẫn còn một quả nằm trên đường.

Quả bom chui xuống đất, không xác định được là bom từ trường hay bom nổ chậm. Thời gian gấp gáp, các chiến sỹ công binh chưa có phương án khả thi trong khi đoàn xe tiếp phẩm đang chờ thông đường. Nếu đoàn xe không qua được Ngã ba Đồng Lộc trong đêm nay, thì ngày mai sẽ là tiêu điểm bắn phá của lũ “quạ sắt” và hy sinh, tổn thất là hết sức nặng nề.

“Mở đường máu”, mệnh lệnh từ trái tim đã được các đơn vị hội ý, đề xuất và phương án “cảm tử”, dùng xe ủi ủi quả bom ra khỏi lòng đường được ông Trần Quang Đạt - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông “chuẩn y”. Tổ cứu thương, tổ phòng không sẵn sàng phối hợp tác chiến. Tuy nhiên, ưu tiên số 1 vẫn là bố trí 1 chiếc xe ủi trực sẵn, nếu quả bom phát nổ thì phải nhanh chóng đẩy chiếc xe phá bom ra khỏi hiện trường, thông đường bằng mọi giá.

Nhiều người xung phong, sẵn sàng lái chiếc xe ủi “cảm tử”. Nhưng dựa vào kinh nghiệm, bản lĩnh và trách nhiệm của người Tổ trưởng, Uông Xuân Lý được đảm nhận trọng trách này.

Cởi trần, vận chiếc quần cộc, người lái máy Uông Xuân Lý bình tĩnh bước lên xe. Toàn lực lượng có mặt đứng 2 hàng, mặc niệm sống ông và nức nở khóc.

Chiếc xe nổ máy, từ từ tiến về vị trí có trái bom. Cẩn trọng, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. “Kịch”, lưỡi máy xúc chạm vào quả bom. Âm thanh rất khẽ, chỉ Uông Xuân Lý mới cảm nhận được và anh hiểu rằng, “vẫn có cơ hội”. Lùi xe lại, xúc đầy một gàu đất, anh khéo léo múc quả bom lên rồi đẩy ra khỏi lòng đường.

Hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, quả bom đã được đẩy đi cách trục đường gần 30m. “Tạm thời an toàn” - Uông Xuân Lý chỉ kịp nghĩ đến đó rồi lả đi vì quá căng thẳng, kiệt sức. Nhưng anh vẫn biết rằng, mình đã chiến thắng quả bom và mạch đường đã thông suốt.

Trong suốt câu chuyện về lần phá bom “cảm tử”, Anh hùng Uông Xuân Lý chỉ lý giải hành động dũng cảm của mình bằng “trách nhiệm của người anh, người thầy, người tổ trưởng”. Đặc biệt, ông nhắc đi nhắc lại chi tiết được kết nạp Đảng vào năm 1967 và khẳng định: “Đảng viên nó có giá trị thế đấy. Thực sự là Đảng lãnh đạo đấy. Vừa rồi nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, nhớ lại thời kỳ đó, tôi mới hiểu hết cội nguồn sức mạnh làm nên những chiến công của mình”.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast