Vững vàng hậu phương của người lính Hà Tĩnh giữa thời bình

(Baohatinh.vn) - Người lính giữa thời bình, tuy không trải qua những nguy khó của chiến tranh nhưng lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ. Với họ, hậu phương ở Hà Tĩnh vẫn là điểm tựa vững chắc để luôn bền bỉ, kiên gan trên con đường binh nghiệp...

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (xã Sơn Phú - Hương Sơn): Gác lại niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ.

Vững vàng hậu phương của người lính Hà Tĩnh giữa thời bình

Chị Hồng Hoa và thượng úy Nguyễn Tiến Đua phải trải qua 2 lần hoãn cưới vì nhiệm vụ thiêng liêng của người lính.

Từ trước đến nay, việc hoãn cưới là điều kiêng kỵ nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đám cưới của chúng tôi phải hoãn đến 2 lần. Khi thiệp mời đã in, mọi thứ đã được chuẩn bị thì dịch bệnh bùng phát, chồng sắp cưới của tôi là Thượng úy Nguyễn Tiến Đua (Đồn Biên phòng Phú Gia - Hương Khê) phải gác lại hôn sự, cùng đồng đội tập trung cho nhiệm vụ chống dịch ở tuyến biên giới Việt - Lào.

Là người yêu của lính, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình. Nếu tôi không chia sẻ, không động viên thì anh cũng sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Là người yêu của lính, tôi hiểu, mình cũng phải luôn đặt hạnh phúc riêng ra sau nghĩa vụ với Tổ quốc, với đồng bào.

Vượt qua khó khăn, trắc trở, cách đây 2 tháng, đám cưới của chúng tôi mới chính thức diễn ra. Có lẽ vì thế mà chúng tôi càng cảm nhận được giá trị hạnh phúc và trân trọng tình yêu này hơn bao giờ hết. Vì nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, hạnh phúc riêng của mỗi người dù có muộn lại một chút cũng là điều xứng đáng - chúng tôi đã luôn động viên nhau như vậy để cùng cố gắng.

Chị Thiều Thị Phương Nhung (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà): Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của chồng.

Vững vàng hậu phương của người lính Hà Tĩnh giữa thời bình

Chị Nhung tự hứa với lòng mình sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của chồng.

Chồng tôi là liệt sỹ Trần Quốc Dũng, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 trong cơn lũ lịch sử vừa qua. Sự ra đi của anh là cú sốc quá lớn đối với gia đình tôi.

Làm vợ người lính, tuy phải trải qua nhiều vất vả khi xa chồng nhưng tôi không thể nào ngờ được có một ngày, gia đình tôi lại phải nhận nỗi đau quá lớn này. Sau khi anh hy sinh, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương tuyển dụng tôi làm quân nhân chuyên nghiệp.

Đó là một chủ trương nhân văn, kịp thời, phần nào chia sẻ nỗi mất mát với gia đình tôi. Chỉ ít ngày nữa tôi sẽ chính thức nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Vì điều kiện công tác, từ trước đến nay, mẹ con tôi phải ở quê ngoại ở Kỳ Anh, nay với công việc mới, tôi và các con được chuyển về ở cùng gia đình chồng.

Tôi cũng tự nhủ sẽ chăm sóc cha mẹ chồng, nuôi dạy các con thật tốt và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của anh.

Em Hoàng Minh Phương (xã Xuân An - Nghi Xuân): Thương bố vất vả, cố gắng học hành, giúp đỡ mẹ.

Vững vàng hậu phương của người lính Hà Tĩnh giữa thời bình

Minh Phương cố gắng chăm học và giúp đỡ mẹ để bố yên tâm công tác.

Bố cháu hiện đang công tác tại Trường Quân sự Quân khu IV (xã Nam Anh - Nam Đàn - Nghệ An) nên thường xuyên xa nhà. Mỗi lần nghe tin bố sắp được về thăm nhà, chị em cháu háo hức mấy ngày liền nhưng cũng thấp thỏm lo bố về chưa hết phép đã phải lên đường vì nhiệm vụ đột xuất.

Trong đợt chống dịch Covid-19 đầu năm nay, bố về qua nhà được một hôm, nửa đêm có lệnh là lên đường ngay và mấy tháng trời bố chẳng được về. Trong suốt thời gian cách ly vì Covid-19, gia đình cháu ai cũng lo lắng cho bố và các cô chú đồng đội. Cháu nghĩ, trên “chiến trường” chống dịch, bố cháu cũng buồn nhớ gia đình lắm.

Nhớ và thương bố vất vả, thỉnh thoảng hai chị em cháu viết thư động viên bố. Cháu và em cũng tự nhắc nhau phải ngoan để bố yên tâm công tác. Ngoài việc chăm chỉ học hành, chúng cháu còn cùng nhau chia sẻ việc nhà với mẹ. Cháu tin là ở nơi xa xôi, trong những ngày tháng gian nan ấy, bố cháu đều cảm nhận được và yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chị Trần Thị Kim Mai - giáo viên Trường THCS Liên Hương, xã Đức Hương (Vũ Quang): Hậu phương chu toàn để chồng vững tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vững vàng hậu phương của người lính Hà Tĩnh giữa thời bình

Vượt qua những vất vả, thiệt thòi khi làm vợ lính Trường Sa, cô Mai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vai trò người mẹ đảm trong gia đình.

13 năm lập gia đình riêng là ngần ấy năm tôi xa chồng, cả 2 lần sinh con đều không có anh bên cạnh. Anh là chiến sỹ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đóng tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngày trước, mỗi năm anh về phép nhiều nhất là 2 lần, nhưng một năm nay, anh nhận nhiệm vụ ra đảo Song Tử Tây (Trường Sa - Khánh Hòa), mẹ con tôi chỉ có thể gặp anh qua sóng điện thoại chập chờn.

Nhà thiếu bóng dáng đàn ông, từ sửa chữa đồ đạc hỏng đến chăm con ốm, dạy con học… cũng chỉ mình tôi lo liệu. Tết đến, khi nhà nhà sum vầy thì nhà mình vẫn 3 mẹ con thui thủi… Không ít lần tôi cảm thấy tủi thân, trống trải nhưng nghĩ về trách nhiệm với Tổ quốc, tôi lại nén nỗi buồn riêng. Người lính giữa thời bình có những nỗi vất vả riêng, có những niềm tự hào riêng.

Tôi vẫn luôn nói với các con về nhiệm vụ cao cả mà bố đang thực hiện để các con luôn chia sẻ và tự hào về bố của mình. Làm vợ chiến sỹ Trường Sa, có những nỗi khổ mà nhiều người không thể nào hiểu được. Tuy nhiên, khó khăn mấy tôi cũng vượt qua. Chỉ mong anh ở nơi xa luôn yên tâm về gia đình, vững vàng tay súng giữ bình yên cho biển đảo quê hương.

Chủ đề Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast