Lượng hóa thiệt hại tinh thần để tính bồi thường

Sáng nay (20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 3, cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) (sửa đổi).

luong hoa thiet hai tinh than de tinh boi thuong

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến tại phiên họp sáng 20/9. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi Luật TNBTCNN nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Dự thảo Luật có 9 chương, 84 điều (so với Luật TNBTCNN năm 2009 đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 37 điều), tập trung vào một số nội dung như nguyên tắc bồi thường Nhà nước và các trường hợp Nhà nước không bồi thường, quy định cụ thể văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, thiệt hại được bồi thường,...

Đánh giá đây là một luật vô cùng khó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc xây dựng Luật phải xác định từng bước và mở rộng dần dần để để đảm bảo giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động bởi quyết định của Nhà nước. Quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, mở quá rộng lại làm chùn tay các cơ quan tố tụng.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, trong báo cáo giám sát oan sai, mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, chậm trễ… “Có trường hợp thời gian kéo dài, làm oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong 2 phút khiến dư luận và người dân phản ứng cho rằng làm hình thức, chiếu lệ”, bà Nga dẫn chứng.

Về thủ tục yêu cầu bồi thường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề luật ra đời có giải quyết được tình trạng trình tự thủ tục và các yêu cầu chặt chẽ như hiện nay không. “Người ta ngồi tù, gia đình cũng khốn đốn thì lấy đâu ra hóa đơn, chứng từ để chứng minh?”, bà Nga đặt câu hỏi. Một vấn đề quan trọng khác, là người dân bức xúc vì số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường là quá lớn, vậy trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, luật quy định bồi thường vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quyền lợi của người bị hại không khôi phục được. “Luật sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội băn khoăn.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về cách tính toán thiệt hại để bồi thường, những thiệt hại về vật chất tính dễ hơn, nhưng về tinh thần cũng có cách tính toán, và ban soạn thảo cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần để đền bù.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng quá trình giải quyết bồi thường, các cơ quan tố tụng không thấy có khó khăn, chỉ thấy quy định chưa rõ nội dung bồi thường nên tạo ra sự bất nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường, cách thức, thủ tục, mức tính không thống nhất. “Tóm lại phải có quy định rất chuẩn như barem để các cơ quan căn cứ vào đó để tính. Nói nôm na như người đi công tác có tiền công tác phí như tiền vé, tiền lưu trú,..”, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể nêu ý kiến.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.