Lý do Israel có thể đứng đằng sau vụ tấn công căn cứ không quân Syria

Bộ Quốc phòng Nga đã chỉ đích danh Israel đứng đằng sau vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân của Syria dù Tel Aviv chưa xác nhận.

Sáng 9/4, hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin căn cứ T-4 bị tấn công bằng tên lửa và cho rằng Mỹ có thể đứng đằng sau vụ tấn công này.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải “trả giá đắt” vì đã thực hiện vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường tại thị trấn Douma, Đông Ghouta hiện do phiến quân chiếm đóng.

ly do israel co the dung dang sau vu tan cong can cu khong quan syria

Một chiếc máy bay F-15 của Không quân Israel. Ảnh: Reuters

Cách đây chỉ 1 năm, ngày 7/4/2017, Mỹ đã từng tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Al-Shayrat của Syria. Vụ tấn công khi đó của Mỹ là nhằm đáp trả vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học khiến hàng chục dân thường Syria thiệt mạng xảy ra trước đó vài ngày.

Hồi tháng 3/2018, có một số thông tin cho rằng, Mỹ đang cân nhắc khả năng tiến hành một vụ tấn công nhằm vào Syria liên quan tới cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Với những yếu tố này, việc Mỹ bị nghi đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào căn cứ T-4 là hoàn toàn dễ hiểu.

Mỹ nếu “dám làm” sẽ “dám nhận”

Washington đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ có liên quan đến vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân T-4 của Syria.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết, ở thời điểm này, Mỹ không tiến hành cuộc không kích nào ở Syria. Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để buộc thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và các nơi khác phải chịu trách nhiệm.

Theo các nhà phân tích, Mỹ cũng không có lý do gì để “dám làm mà không dám nhận”. Chỉ vài giờ trước khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa Syria sẽ phải “trả giá đắt” vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học khiến nhiều người thiệt mạng ở Đông Ghouta, do đó, Mỹ sẽ không có lý do gì để phủ nhận nếu họ thực sự tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria.

Nhìn lại vụ việc tương tự cách đây chỉ 1 năm, sau khi phóng tên lửa Tomahawk tấn công sân bay quân sự Syria tháng 4/2017, Mỹ đã ra thông báo thừa nhận thực hiện vụ không kích này.

Israel “có động cơ”

Kênh truyền hình ủng hộ Syria của Hezbollah al-Manar mô tả vụ tấn công này là “sự gây hấn của Israel”, dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Israel vẫn chưa lên tiếng bình luận về vụ tấn công căn cứ T-4. Tel Aviv hiếm khi thừa nhận tiến hành các vụ không kích, nhưng đã từng thừa nhận tấn công các mục tiêu ở Syria hàng chục lần kể từ năm 2012 tới nay. Vụ không kích mạnh nhất là vào tháng 2/2018 cũng nhằm vào căn cứ T-4.

Vụ tấn công hồi tháng 2 xảy ra sau khi một máy bay do thám của Iran xuất hiện trong không phận Israel. Khi đó, Israel huy động các máy bay chiến đấu để hạ chiếc máy bay do thám mà Tel Aviv cho là xuất phát từ căn cứ T-4 của Syria nhưng đã vấp phải sự đáp trả từ không quân Syria, khiến một máy bay chiến đấu F-16 của Israel bị bắn hạ.

Israel cũng từng tuyên bố sẽ không chấp nhận Iran - “kẻ thù không đội trời chung”, thành lập các căn cứ ở Syria hoặc hoạt động từ các căn cứ tại Syria. Israel coi những điều này là mối đe dọa lớn.

Theo Quân đội Israel, Iran và Lực lượng vệ binh cách mạng Iran đã hoạt động tại căn cứ T-4 từ lâu và sử dụng căn cứ này để vận chuyển vũ khí, trong đó có cả việc chuyển vũ khí cho các phiến quân Hezbollah (tại Lebanon) – cũng là một “kẻ thù” của Israel.

Israel cũng từng 2 lần tấn công căn cứ T-4 của Syria, phá hủy hệ thống liên lạc và trung tâm kiểm soát máy bay do thám của Iran tại đây.

Trong khi đó, theo hai quan chức Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm “căng thẳng” với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước. Cuộc điện đàm xoay quanh việc ông Netanyahu lo ngại việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ cho phép Iran – kẻ thù của Israel, gia tăng ảnh hưởng ở Syria. Đây có thể là lý do Israel thấy cần phải “hành động”.

Tiền lệ “tát nước theo mưa”

Theo một số nhà phân tích, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh miệng tuyên bố Syria sẽ phải “trả giá đắt” sau cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở Đông Ghouta có thể đã “hé cửa” cho Israel tận dụng cơ hội để tiến hành cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Hezbollah và các cơ sở của Iran trên lãnh thổ Syria.

Nhìn lại những sự kiện trước đây, Israel vẫn thường “tát nước theo mưa” theo Mỹ.

Ngày 26/4, Israel từng không kích các cơ sở quân sự của Syria để đáp trả vụ 10 quả đạn từ Syria bắn vào khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Cuộc không kích của Israel khi đó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-22 của Syria, với lý do là viên phi công lái chiếc phi cơ đó bị nhận diện là có ý định thù địch và có thể có hành động thù địch nhằm đe dọa Mỹ và đồng minh của Mỹ tại Syria.

Ngày 7/4/2017, Mỹ tấn công Syria với 59 quả tên lửa Tomahawk nhằm trừng phạt chính quyền Syria về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Idlib thì ngày 27/4 tiếp đó, quân đội Israel cũng tấn công vào sân bay Damascus, khu vực do Hezbollah kiểm soát. Israel cũng nhân đó mà tuyên bố sẽ trừng phạt mọi động thái thù địch của Hezbollah từ Syria./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.