Tuy vậy, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”.
Sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy thôn, cùng tinh thần đoàn kết của người dân sẽ góp phần tạo nên diện mạo khởi sắc cho địa phương. Ảnh P.V
Thực trạng đó đang diễn ra trong sinh hoạt chi bộ, ngay trong bản thân từng đảng viên, dẫn đến hậu quả, nhiều người, trong đó có cán bộ trung cao cấp vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2017, cấp ủy và chi bộ các cấp thi hành kỷ luật 847 đảng viên và 7 tổ chức đảng.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do ở nhiều nơi, các cấp ủy đã buông lỏng, xa rời nguyên tắc đấu tranh phê bình, tự phê bình trong Đảng, nhất là trong sinh hoạt chi bộ. Tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý, xuôi chiều, khen nhiều, chê ít, thậm chí xu nịnh, tâng bốc cấp trên, người đứng đầu là khá phổ biến. Bản thân từng đảng viên, nhất là đảng viên nắm giữ chức quyền, người đứng đầu thường chủ quan, tự cao, tự đại, không chịu tự soi mình, ít lắng nghe ý kiến phê bình, nói thật, nói thẳng của tập thể chi bộ. Cá biệt, đã diễn ra tình trạng “đấu tranh không biết tránh đâu”, thậm chí bị trù dập, cô lập, xa lánh. Công tác kiểm điểm hàng năm thường xuê xoa, chiếu lệ, dễ dãi.
Có thể nói, việc buông lỏng nguyên tắc phê bình, tự phê bình là điểm yếu cốt tử trong sinh hoạt chi bộ hiện nay, cần phải kịp thời chỉ rõ và nghiêm túc khắc phục. Vì vậy, mài sắc vũ khí phê bình, tự phê bình là biện pháp thiết thực, cấp bách nhằm thực hiện thắng lợi NQ T.Ư4 (khóa XI) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trước hết, về đối tượng, cần lấy chi bộ là nơi quản lý trực tiếp đảng viên, thông qua sinh hoạt hàng tháng mà tiến hành phê bình, tự phê bình, phát hiện các biểu hiện sai trái để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh. Trong đó, chú ý người đứng đầu, giữ trọng trách trong từng cơ quan, đơn vị; cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ, dự án đầu tư, tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên... là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xẩy ra sai phạm. Khi xác định trúng đối tượng, tiến hành phê bình, tự phê bình có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải chung chung theo kiểu “hòa cả làng” thì tính chiến đấu càng cao, hiệu quả càng thiết thực.
Đảng viên Chi bộ thôn Kim Tân (Tân Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) sinh hoạt thường kỳ tháng 12/2017. Ảnh tư liệu của Mạnh Hà
Hai là, về nội dung phê bình và tự phê bình, các chi bộ cần hướng vào việc chấp hành điều lệ, quy định về các điều cấm đảng viên không được làm, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Trong tình hình hiện nay cần chú trọng đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” và mọi biểu hiện tự diễn biến, xa rời lý tưởng, cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất...
Ba là, về phương châm cần tiến hành phê bình, tự phê bình thường xuyên, thẳng thắn, nghiêm túc trên tinh thần đoàn kết, tình đồng chí chân thành, xây dựng. Cần phê phán việc lợi dụng phê bình, tự phê bình để đả kích, nói xấu lẫn nhau, hạ bệ cá nhân vì động cơ không trong sáng. Cần gắn kết quả phê bình, tự phê bình với đánh giá xếp loại đảng viên, với việc xử lý nghiêm những người có vi phạm để giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng ngay từ trong các chi bộ.
Bốn là, cần gắn trách nhiệm bí thư chi bộ và chi ủy trong việc thực hiện nguyên tắc phê bình, tự phê bình. Coi phê bình, tự phê bình là thể hiện bản lĩnh của cán bộ đảng viên, lấy đó làm căn cứ để lựa chọn người đảm nhiệm trọng trách ở các cấp, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý ngày càng cao trong thời gian tới.