Khu vườn của ông Huệ có hơn 200 gốc mai.
Những ngày này, vườn mai của gia đình ông Trần Quang Huệ (thôn Lê Lợi) - Tổ phó Tổ hội trồng và bảo tồn cây mai Kỳ Xuân có khá đông khách đến tham quan. Khu vườn rộng hơn 1.000m2 của ông Huệ có hơn 200 gốc, trong đó khoảng 140 gốc đã 10 năm tuổi.
Ông Huệ bên cây mai đã được khách trả giá 25 triệu đồng.
Ông Huệ cho biết, từ hàng chục năm trước, người dân Kỳ Xuân đã đưa cây mai từ núi Sư (trên địa bàn thôn Lê Lợi) về trồng ở vườn nhà. Hầu như nhà nào cũng có cây mai trong vườn, nhưng trong 10 năm gần đây, người dân mới có ý tưởng nhân giống trồng mai làm hàng hóa.
Từ hàng chục năm trước, người dân Kỳ Xuân đã trồng mai trong vườn nhà. Bà Dương Thị Dượng ( 75 tuổi, thôn Xuân Thắng) bên cây mai khoảng 40 năm tuổi.
“Năm 2018, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên lấy hạt ươm cây rồi từng bước phủ kín khu vườn, vừa làm đẹp, vừa cung ứng cho thị trường. Cây mai từ lúc trồng đến lúc có thể chưng làm cây cảnh mất thời gian rất dài, bởi vậy, 5 năm gần đây, cây mai Kỳ Xuân mới được xuất bán ra thị trường. Riêng gia đình tôi, mỗi Tết Nguyên đán, tôi thường chỉ bán khoảng 10 - 15 cây. Năm nay, 15 cây mai trong vườn được bán ra thị trường với giá bình quân 7-8 triệu đồng, cây cao nhất là 25 triệu đồng”- ông Huệ cho biết.
Tổ hội trồng và bảo tồn cây mai Kỳ Xuân hiện có 12 thành viên, hiện đã trồng hơn 10 ngàn cây.
Phát triển nghề trồng mai chỉ mới vài năm gần đây nhưng một số hộ như anh: Nguyễn Văn Kiền, Bùi Xuân Công, Dương Xuân Nhất ở thôn Cao Thắng có tư duy “làm ăn lớn” khi mở rộng cây mai từ vườn nhà ra các khu đất đồi diện tích rộng với hơn hàng ngàn gốc/hộ.
Theo anh Nguyễn Văn Kiền - Tổ phó Tổ hội trồng và bảo tồn cây mai Kỳ Xuân, cây mai của địa phương có những đặc điểm riêng: hoa có 5 cánh, lá hình bầu dục, màu xanh thẫm, thân cành khỏe, có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt vùng biển.
Mai Kỳ Xuân có 5 cánh, lá xanh thẫm hình bầu dục, thân khỏe.
Những năm gần đây, cây mai cảnh có giá trị cao trong dịp tết nên những cây cổ thụ 40-50 năm tuổi hầu như đã rời Kỳ Xuân đến với khách hàng ở khắp trong tỉnh. Bởi vậy, anh Kiền cũng như nhiều hộ khác rất trăn trở, mong muốn bảo tồn, phát triển cây trồng này. Riêng với anh Kiền, vừa rồi đã đầu tư 25 triệu đồng mua cây mai gần 40 năm tuổi về trồng để giữ lại những cây mai nhiều năm tuổi ở làng biển.
Anh Nguyễn Văn Kiền đầu tư 25 triệu đồng mua cây mai gần 40 năm tuổi về trồng để bảo tồn giống mai quý của địa phương.
Vừa trồng vừa làm đầu mối đưa mai tết Kỳ Xuân đến với nhiều địa phương trong tỉnh, gia đình anh Bùi Xuân Công, chị Lê Thị Thu, cũng là hội viên của Tổ hội trồng mai đã bắt đầu đưa mai tết ra bán ở TP Hà Tĩnh. Tết năm nay, anh chị đã chuẩn bị 100 gốc mai có nhiều mức giá từ 7-8 triệu đến cả gần trăm triệu cung cấp cho thị trường.
Chị Lê Thị Thu bên cây mai đã được khách hàng đặt mua với giá 90 triệu đồng.
Theo thống kê của xã, Kỳ Xuân có khoảng 1.000 hộ trồng mai làm cảnh, trong đó khoảng 100 hộ có tư duy trồng hàng hóa với quy mô hàng chục gốc/hộ và 12 hộ có quy mô từ hàng trăm đến hàng ngàn gốc.
Với mục tiêu bảo tồn giống mai quý của địa phương và phát triển cây trồng thành sản phẩm chủ lực trong vườn hộ ở Kỳ Xuân, tháng 4/2021, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội trồng và bảo tồn cây mai Kỳ Xuân. Tổ hội hiện có 12 thành viên, cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế từ nghề trồng mai; đến thời điểm này các thành viên đã trồng hơn 10 ngàn cây.
Hỗ trợ phát triển cây mai theo hướng hàng hóa, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tập huấn cho các thành viên trong tổ hội về kỹ thuật chăm sóc cây; cách tạo thế để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện UBND xã Kỳ Xuân đang đề nghị HĐND xã xem xét ban hành chính sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới cho các vườn trồng mai hàng hóa nhằm giúp người trồng mai bảo tồn và phát triển cây trồng này. Ngoài ra, xã đang vận động mỗi gia đình đều có cây mai cảnh trước sân nhà nhằm tạo nét đẹp riêng ở các làng quê NTM, hướng tới xây dựng du lịch trải nghiệm gắn với du lịch biển Kỳ Xuân.
Đến cuối năm 2022, 8//8 thôn đã được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Hiện xã xã đang vận động mỗi gia đình đều có cây mai cảnh trước sân nhà nhằm tạo nét đẹp riêng ở các làng quê NTM.
Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên việc trồng các loại cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn ở địa phương trong thời gian chưa mang lại hiệu quả. Vì vậy, trồng mai đang được xác định là hướng đi trong phát triển kinh tế vườn, làm vườn mẫu, xây dựng NTM. Tuy nhiên, cây mai nếu trồng tự nhiên thì phải mất trên 10 năm trồng mới có thể mang lại thu nhập. Để cây phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao hơn, cần có sự đầu tư để áp dụng khoa học kỹ thuật. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành để phát triển nghề trồng mai lên quy mô lớn, đồng thời góp phần phát triển du lịch trải nghiệm NTM gắn với du lịch biển.