Lao động nhập cư ở Malaysia xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: REUTERS
“Trong thời kỳ đại dịch, việc cung cấp vắc xin là một bước đi nhân đạo”, ủy ban giám sát chương trình tiêm vắc xin của Chính phủ Malaysia nhấn mạnh trong thông cáo ngày 11-2.
Cũng theo ủy ban trên, việc tiêm vắc xin cho người nước ngoài được cho là cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vì “không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”. Thông cáo cũng nêu rõ người nước ngoài đã trở thành một phần trong cộng đồng ở Malaysia và đóng góp vào nền kinh tế của nước này.
“Một môi trường an toàn không có COVID-19 chỉ có thể đạt được khi nhiều người cùng được chủng ngừa”, Hãng tin Reuters trích dẫn lại thông cáo.
Bộ trưởng Điều phối chương tình tiêm chủng COVID-19 của Malaysia, ông Khairy Jamaluddin cho biết các nhà ngoại giao, sinh viên quốc tế, lao động nước ngoài đang sống tại Malaysia sẽ được tiêm miễn phí trong đợt tiêm chủng này.
Cũng theo ông Khairy, kể cả những người nhập cư không giấy tờ và người tị nạn có đăng ký với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng được tiêm vắc xin miễn phí.
Theo ủy ban giám sát vắc xin COVID-19, người có quốc tịch Malaysia sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước. Nhà chức trách sẽ làm việc với các đại sứ quán, các công ty để lên lịch tiêm chủng riêng cho người nước ngoài và sẽ công bố sau.
Hiện Malaysia đã ký hợp đồng mua ít nhất 5 loại vắc xin đang có mặt trên thị trường như Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), Gamaleya của Nga, Sinovac và CanSino của Trung Quốc. Ngoài ra Malaysia cũng nhận một lô vắc xin của AstraZeneca từ cơ chế COVAX.
Theo tính toán hiện tại của giới chức Malaysia, nước này đã có đủ vắc xin cho công dân Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ bắt đầu tiêm đại trà vắc xin vào cuối tháng này, đặt mục tiêu 80% trong tổng số 32 triệu dân sẽ được tiêm vắc xin ngay trong năm 2021.