“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

(Baohatinh.vn) - Đóng chân ở địa phận giáp gianh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, hơn 60 năm qua, Trạm Radar 535 (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) được ví như “mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Trạm radar 535 cách mực nước biển 234m

Vượt qua gần 6km đoạn dốc núi cao quanh co, chúng tôi lên tới được Trạm Radar 535, nằm trên đỉnh Đèo Ngang, có độ cao cách mực nước biển khoảng 234m. Từ trên cao, ngắm nhìn mặt biển trải rộng như tấm áo trắng khổng lồ, với chi chít những điểm màu nhỏ xíu. Đó chính là những tàu thuyền đang hoạt động trên biển được hiển thị thành hình ảnh trên thiết bị hệ thống radar mà cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 535 ngày đêm theo dõi.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Từ trên Trạm radar 535 nhìn xuống KKT Vũng Áng

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thạch, Chính trị viên Trạm Rađar 535 đón chúng tôi với cái bắt tay nồng hậu và ấm áp. Giữ nụ cười tươi tắn, anh cởi mở chia sẻ về đơn vị: Trạm Radar 535 được thành lập năm 1960, có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, với nhiệm vụ quan sát, nắm bắt, theo dõi các phương tiện trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng trong khu vực được phân công phụ trách. Năm 1970, trạm đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Trạm Radar 535 có trang bị thiết bị tân tiến, có thể bắt tín hiệu 100 hải lý (gần 200km), chính vì vậy, các lực lượng chức năng, đặc biệt ở khu vực KKT Vũng Áng luôn được đơn vị chúng tôi phối hợp trong việc kiểm soát các tàu nước ngoài hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh và tìm kiếm tàu cá gặp nạn” - Thiếu tá Thạch cho hay.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Trạm radar 535 thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trong việc tuần tra kiểm soát các tàu nước ngoài, tìm kiếm các tàu bị gặp nạn trên vùng biển Hà Tĩnh

Thiếu tá Thạch vẫn còn nhớ như in quá trình tìm kiếm tàu cá của ngư dân Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh bị mất tích do bão. “Vào khoảng tháng 7/2018, nhận được tin báo từ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh báo có thuyền của ngư dân xã Kỳ Lợi bị mất tích do bão, đơn vị đã ngay lập tức triển khai các phương án tìm kiếm. Chỉ sau vài giờ đồng hồ triển khai, đơn vị đã phát hiện chiếc thuyền gặp nạn trên vùng biển Quảng Bình, nhờ đó lực lượng chức năng đã kịp thời tiếp cận hiện trường, cứu sống được 2 thuyền viên trên tàu”.

Được ví như “nhà giàn trên núi”, cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ Trạm Radar 535 luôn phải đối mặt với khó khăn thiếu thốn do thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô. Độ cao lớn, ngày mới trên đỉnh Đèo Ngang bắt đầu với cái lạnh cắt da. Mặt trời đứng bóng, nắng nóng như thiêu đốt, đến tầm 16-17h giờ nhiệt độ lại bắt đầu giảm nhanh. Càng về đêm trời càng trở lạnh với những cơn gió hun hút.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Hoạt động tăng gia sản xuất tại đơn vị

“Vào mùa hè, những cơn gió Lào thiêu đốt hết những tán xanh cây xanh trong đơn vị. Có những thời điểm, cả tháng trời các chiến sĩ phải thay phiên nhau vượt mấy km đường rừng để đi chở nước về sinh hoạt. Mùa đông thì sương mù và gió rét khắc nghiệt tới mức phải xây hẳn một tường gạch chắn gió để lá rau khỏi bị gió xé.

Cán bộ, chiến sĩ ở trạm, quê người gần nhất thì hơn 50km, người xa nhất cũng mấy trăm km, có khi cả tháng trời mới được ghé thăm nhà đôi ngày. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giao thông cách trở, anh em ở trạm đã đoàn kết, động viên nhau vượt khó hoàn thành nhiệm vụ” - Đại úy Lê Văn Tuấn, bộ phận cơ yếu tâm sự.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Trung úy Nguyễn Xuân Thọ thực hiện nhiệm vụ quan sát bằng thiết bị ống nhòm nhìn xa TZK

Quê ở Nghệ An, vợ mới sinh con gái mới được gần 3 tháng, nỗi nhớ gia đình luôn thường trực với Trung úy trẻ Nguyễn Xuân Thọ, nhưng trong công việc anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trung úy Thọ bộc bạch: “Khi đã coi trạm là nhà, đồng đội là anh em thì khó khăn mấy cũng trở thành chuyện nhỏ. Tôi thường xuyên làm việc trên trạm, có nhiều dịp phải trực liên tục, cả tháng trời chỉ tạt về thăm con vợ con được 2 ngày rồi lại về đơn vị".

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Như cánh thép radar cần mẫn xoay tròn bất tận trong nắng mưa sương gió, 24/24h, cán bộ chiến sỹ đơn vị phân chia ca trực, không giây phút nào rời mắt khỏi màn hình theo dõi mục tiêu, đưa ra các phán đoán chuẩn xác, chủ động dự báo tình hình, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn không phận tầm thấp và hải phận khu vực 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Với khẩu hiệu “Màn hiện sóng là chiến trường”, trong năm 2020, trạm đã tổ chức quan sát hằng trăm nghìn tàu thuyền các loại; phối hợp với Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh quan sát gần 50 lượt tàu thuyền để truy xét các hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vào vùng biển trong phạm vi quan sát.

“Mắt thần” trên đỉnh Đèo Ngang

Chiều muộn, sương lạnh bao phủ đỉnh Đèo Ngang. Tạm biệt “nhà giàn trên núi”, ngước mắt nhìn lên cánh radar vươn cao trên đỉnh đèo, lời khẳng định chắc nịch của Trạm trưởng Ngô Văn Hùng như văng vẳng bên tai: “Không một mục tiêu nào có thể lọt “mắt thần” radar 535!”

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.