Bí quyết phòng bệnh cho những người dễ bị cảm lạnh

Vào mùa đông, khi thời tiết trở nên lạnh và khô, nhiều người thường bị cảm lạnh và cảm thấy rất mệt mỏi. Đâu là giải pháp hiệu quả giúp phòng ngừa căn bệnh thường gặp này?

1. Ai dễ bị cảm lạnh?

Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm trùng do virus ở mũi và họng (đường hô hấp trên). Bệnh thường không quá nguy hiểm, tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và rất khó chịu.

Có nhiều loại virus có thể gây ra cảm lạnh nhưng Rhinovirus là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Đây cũng là nhóm virus gây kích thích bởi các đợt hen cấp và nhiễm trùng vùng mũi xoang, viêm tai…

Virus gây cảm lạnh thường có xu hướng phát triển mạnh hơn vào những tháng thời tiết lạnh như mùa đông, mùa xuân… Khí hậu lạnh và khô sẽ khiến virus dễ dàng lây lan hơn. Điều kiện khí hậu cũng khiến cho các triệu chứng cảm lạnh nặng nề hơn ví dụ như không khí khô làm cho màng nhầy ở mũi và họng khô hơn, làm nặng hơn tình trạng ngạt mũi và đau rát họng.

Bí quyết phòng bệnh cho những người dễ bị cảm lạnh

Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi hay bị cảm lạnh khi thời tiết thay đổi.

Cảm lạnh tuy không nguy hiểm nhưng gây một số khó chịu cho người bệnh. Trẻ em dưới 6 tuổi có nguy cơ bị cảm lạnh cao nhất vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ để chống lại các tác nhân gây hại.

Người lớn tuổi trên 65 tuổi cũng dễ bị cảm lạnh do hệ miễn dịch đã suy yếu theo thời gian. Người hút thuốc lá (chủ động và bị động) cũng dễ bị nhiễm virus gây cảm lạnh và những loại virus khác.

Những người có hệ miễn dịch kém, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính cũng dễ bị mắc virus cảm lạnh hơn những người khác.

Vì cảm lạnh do virus xâm nhập cơ thể nên nó có thể lây lan qua các giọt bắn khi người mắc virus nói chuyện, hắt hơi hoặc ho không che miệng. Người lớn khỏe mạnh cũng có thể bị 2 hoặc 3 lần bị cảm lạnh trong năm.

2. Cảm lạnh có thể gây những biến chứng gì?

Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường xuất hiện từ 1-3 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây cảm lạnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm:

-Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

-Đau họng

-Ho

-Sưng hạch bạch huyết

-Đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ

-Hắt hơi

-Sốt nhẹ

-Cảm thấy không khỏe (khó chịu)

Dịch chảy ra từ mũi của bạn có thể trở nên đặc hơn và có màu vàng hoặc xanh lá cây khi cơn cảm lạnh thông thường diễn ra. Đây không phải là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn.

Hầu hết mọi người hồi phục sau cảm lạnh trong khoảng 3-7 ngày hoặc 10 ngày. Các triệu chứng có thể kéo dài hơn ở những người hút thuốc.

Tuy cảm lạnh không nguy hiểm nhưng ở một số người, cảm lạnh có thể gây ra một số biến chứng cho người bệnh. Ví dụ:

- Nhiễm trùng tai cấp tính (viêm tai giữa): Điều này xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào phía sau màng nhĩ. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm đau tai và trong một số trường hợp, chảy nước mũi màu xanh lá cây hoặc vàng hoặc sốt trở lại sau cảm lạnh thông thường.

- Bệnh hen suyễn: Cảm lạnh có thể kích hoạt cơn hen suyễn ở những người có cơ địa bệnh hen.

- Viêm xoang cấp tính: Ở người lớn hoặc trẻ em, cảm lạnh thông thường không giải quyết được có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng xoang (viêm xoang).

- Các bệnh nhiễm trùng thứ phát khác: Bao gồm viêm họng do liên cầu khuẩn (viêm họng do liên cầu), viêm phổi, hoặc viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Những bệnh nhiễm trùng này cần được bác sĩ điều trị.

3. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Đối với người lớn, nên đến gặp bác sĩ nếu bạn có:

-Sốt trên 38,5 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường.

-Sốt kéo dài từ 5 ngày trở lên hoặc đột ngột sốt trở lại sau thời gian không sốt.

-Khó thở.

-Thở khò khè

-.Đau họng dữ dội, đau đầu hoặc đau xoang.

Đối với trẻ em nói chung không cần đến gặp bác sĩ vì cảm lạnh thông thường. Nhưng hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

-Sốt 38 độ C ở trẻ sơ sinh đến 12 tuần

-Sốt cao hoặc sốt kéo dài hơn 2 ngày ở trẻ ở mọi lứa tuổi

-Các triệu chứng xấu đi hoặc không cải thiện

-Các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đau đầu hoặc ho

-Thở khò khè

-Đau tai

-Cực kỳ khó chịu

-Buồn ngủ bất thường

-Chán ăn

Bí quyết phòng bệnh cho những người dễ bị cảm lạnh

Cảm lạnh gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

4. Cách hiệu quả phòng ngừa cảm lạnh

Hiện không có vaccine phòng bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung để làm chậm sự lây lan của virus cảm lạnh:

- Hãy rửa tay thật sạch và thường xuyên bằng xà phòng và nước, đồng thời dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc rửa tay sạch sẽ.

- Thường xuyên khử trùng đồ đạc và những vật dụng nhà bếp hay phòng tắm bằng chất khử trùng, đặc biệt khi trong gia đình bạn có người bị cảm lạnh.

- Không dùng chung ly hoặc dụng cụ uống nước với các thành viên khác trong gia đình.

- Tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh.

- Chăm sóc bản thân, ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn ngăn ngừa cảm lạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra lời khuyên giúp tăng cường miễn dịch và phòng ngừa cảm lạnh hiệu quả:

Hệ miễn dịch được coi là hàng rào rất quan trọng để bảo vệ cơ thể giúp cho cơ thể khỏe mạnh ít có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm virus hoặc có mắc thì cũng nhẹ hơn so với người có hệ miễn dịch yếu kém.

Để đảm bảo và tăng hiệu quả của hệ miễn dịch, điều quan trọng là vấn đề dinh dưỡng. Chúng ta cần ăn đủ đạm, đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu hay còn gọi là protein, axit min... Tăng cường ăn nhiều thực phẩm chứa các loại vitamin A, C, E... vì chúng là những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của hệ miễn dịch.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast