Nhập viện tâm thần vì nghiện facebook: Bố mẹ mải làm ăn?

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, để con nghiện điện thoại là do bố mẹ chạy theo đồng tiền, không có thời gian giao tiếp với con.

Liên quan đến thông tin Hà Nội liên tục có người nhập viện tâm thần vì nghiện facebook, ngày 8/1, trao đổi với báo Đất Việt, TS.Tô Thanh Phương, Trưởng khoa cấp tính Nữ (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - Thường Tín, Hà Nội) xác nhận thông tin và cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận 3 cô gái có triệu chứng trầm cảm do nghiện điện thoại.

"Trường hợp mới nhất là cô gái 18 tuổi được bố mẹ đưa đến. Trường hợp cô gái này là do quá nghiện điện thoại, thậm chí nghỉ cả học để chơi nên bố mẹ mới theo dõi. Bị bố mẹ theo dõi, thì cô nữ sinh này đóng kín cửa, chùm chăn chơi suốt đêm mà bố mẹ cũng không biết. Bất cứ nơi đâu như đi ăn hay vào toilet cô gái này cũng cầm điện thoại theo.

Do nghiện điện thoại nên cô gái này ăn uống rất kém, không ngủ được nên mới phát bệnh ra như thế. Điều đáng nói khi gia đình hỏi con xem chơi gì nhưng cô gái này chối hết, không nói bất cứ 1 thông tin gì về việc mình dùng điện thoại vào những việc gì hay sử dụng chương trình gì trong đó", TS Tô Thanh Phương nói.

nhap vien tam than vi nghien facebook bo me mai lam an

Nữ sinh nhập viện tâm thần vì nghiện facebook. Ảnh: Dân việt

Theo bác sĩ Phương, không chỉ bố mẹ hỏi mà khi đến bệnh viện, các bác sĩ hỏi nữ sinh này xem gì trong điện thoại nhưng câu trả lời duy nhất mà cô gái này nói là chỉ để trao đổi thông tin về tình hình học tập với bạn bè, thầy cô giáo.

"Cô gái này giấu hết thông tin, lúc gia đình đưa vào viện, cô gái này đang ở trạng thái rất căng thẳng. Khi vào viện, chúng tôi phải thu lại điện thoại và cho dùng thuốc để nữ sinh này không còn có những triệu chứng như ban đầu nữa", bác sĩ Phương thông tin thêm.

Nói về gia đình nữ sinh nghiện điện thoại này, vị phó giám đốc bệnh viện cho rằng, do bố mẹ đều làm công chức nhà nước nên không có thời gian để ý đến con.

Chạy theo tiền?

Về việc này, cùng ngày, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, phụ trách phòng khám tâm lý gia đình và trẻ em (TP hồ Chí Minh) cho rằng, trường hợp như trên là hiện tượng khá phổ biến. Điều quan trọng là nhiều ông bố, bà mẹ vẫn chưa có cách ứng xử đúng khi phát hiện ra con mình đã quá nghiện điện thoại.

"Tôi đã từng nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, lúc con chưa biết chơi thì bố mẹ không dành thời gian để chơi và làm bạn với con, chỉ đến lúc thấy con quá sa đà rồi thì mới hốt hoảng. Lúc hốt hoảng thì ứng xử sai lầm, không theo từng bước để giúp con dần cải thiện tình hình.

Việc để con rơi vào tình trạng như trên là do bố mẹ chạy theo đồng tiền, chạy theo công việc, không có thời gian giao tiếp với con. Không những thế, bố mẹ thời nay còn chỉ nghĩ đến việc đầu tư cho con học, không cho con tham gia vào công việc của gia đình do đã thuê giúp việc hoặc nếu con làm thì lại chê chậm", chuyên gia tâm lý Lê Khanh nói.

Theo vị chuyên gia này, thời ngày nay, con cái trong gia đình đang ở tuổi đi học như 1 khách trọ chỉ biết đòi hỏi, ăn và học. Chính bởi vậy, các bậc phụ huynh hãy thu xếp công việc để có thời gian chăm sóc con và có những động viên kịp thời dành cho con.

"Ví dụ con thích học môn nào thì động viên con học giỏi môn đó, môn nào còn kém thì để con cố gắng dần dần. Trường hợp khi đã phát hiện ra con nghiện điện thoại, facebook quá rồi, bố mẹ phải thỏa thuận với con bằng cách như vẫn đồng ý cho con sử dụng điện thoại, chơi gì thì chơi nhưng đồng thời đề nghị con giúp làm 1 việc nhỏ trong nhà.

Chắc chắn với cách này, người con sẽ đồng ý với thái độ dễ chịu hơn trước bởi con được chơi công khai, không phải lén lút như trước là thu điện thoại hay cắt luôn internet. Điều cần hơn nữa, khi con giúp mình việc nhà thì phải có lời khen ngợi, động viên con", chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết thêm.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi con đã giúp được gia đình 1 việc nhà, bố mẹ sẽ kiếm cớ giao thêm cho con việc nữa rồi tạo cơ hội nói chuyện với con về việc học cũng như gia đình, bạn bè của con để con ít có thời gian chơi hơn.

Về thông tin con nghiện điện thoại, bố mẹ đưa đến bệnh viện tâm thần chữa trị, vị chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, đây là việc không nên bởi phần lợi ít mà phần hại lại nhiều.

"Trong bệnh viện tâm thần, bác sĩ tâm lý không nhiều mà họ chỉ hoạt động để chữa bệnh tâm thần thôi. Điều cần ở đây là bố mẹ phải trò chuyện với con chứ bác bác sĩ không thể đưa ra 1 liệu trình tâm lý nào cho con mình được", ông Lê Khanh chia sẻ

Như đã đưa tin, trước đó anh M. (bố đẻ của em N.N.L, ở Hà Nội) cho biết, vào khoảng giữa tháng 12/2017, lúc đi làm về, anh thấy con ở nhà, gọi điện cho cô giáo thì mới biết con trốn học và lúc nào cũng cầm chiếc điện thoại nghịch ngợm. Thấy vậy, anh M. khuyên bảo nhưng con không nghe lời.

Chỉ khi anh M. và vợ cắt mạng internet trong nhà, L mới bắt đầu bộc lộ rõ những biểu hiện bất thường. Không có mạng internet để sử dụng, con gái anh tỏ ra cáu gắt, đập phá đồ đạc trong nhà, chửi bới, thậm chí có hành động chống trả. Quá lo lắng nên gia đình đã mời bác sĩ tâm lý đến nhưng con gái anh vẫn khăng khăng nói mình không mắc bệnh.

“Dùng mọi cách không có hiệu quả, cuối cùng tôi đành phải đánh thuốc mê rồi chuyển cháu xuống bệnh viện tâm thần Trung ương”, anh M. chia sẻ.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast