Vì sao không được cho trẻ uống aspirin?

Aspirin là thuốc hạ nhiệt, giảm đau thông dụng nhưng do một số tác dụng không mong muốn nên không được dùng cho trẻ dưới 16 tuổi.

Aspirin là yếu tố thúc đẩy sinh ra hội chứng Reye:

Những người dưới 19 tuổi khi bị nhiễm virút (Influenza týp B, thủy đậu...) sẽ có nguy cơ bị hội chứng Reye.

Hội chứng Reye là bệnh lý não - gan hiếm gặp, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em với biểu hiện: phù não (nhưng không thâm nhiễm tế bào), thoái hóa tế bào thần kinh não; suy gan nhiễm mỡ tiến triển nhanh chóng, gan to (nhưng rất ít hoặc không vàng da) tế bào gan chứa đầy các không bào chứa mỡ; được mô tả gọn trong cụm từ “nước não và mỡ gan”. Nếu không kịp thời cứu chữa sẽ tử vong sau vài giờ, nếu kịp thời cứu chữa có thể hồi phục nhưng thường để lại di chứng hoặc khuyết tật nhẹ.

Các nghiên cứu đều cho biết: Những người bị hội chứng Reye trong máu thường có nồng độ cao aspirin hay dẫn chất có gốc salicylat, còn những người không bị hội chứng Reye thì trong máu không có hay có nồng độ không đáng kể các chất này. Do đó, cao aspirin hay dẫn chất có gốc salicylat được coi là yếu tố thúc đẩy sinh ra hội chứng Reye. Khi trẻ nhiễm virút (cảm, thủy đậu) thì rất dễ bị hội chứng Reye nếu dùng aspirin hay dẫn chất có gốc salicylat.

vi sao khong duoc cho tre uong aspirin

Apirin gây viêm loét dạ dày:

Trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) niêm mạc dạ dày chưa trưởng thành, sinh lý bình thường có sự phân tiết axít thấp. Trong khi đó, aspirin (axít acetyl salicylic) có tính axít sẽ trực tiếp làm tăng tính axít của dạ dày, gây cồn cào khó chịu, hủy hoại các tế bào biểu mô. Mặt khác, aspirin ức chế COX-1 (cyclo-oxygenase-1) làm giảm tiết ra prostanglandin (PG), từ đó không sinh ra các chất bảo vệ dạ dày (chất keo, bicarbonat) tăng sự tiết dịch vị làm cho niêm mạc dạ dày tá tràng bị bào mòn, viêm loét, xuất huyết, giảm lưu lượng máu đến dạ dày nên khó hồi phục khi có các tổn thương này. Do đó, không dùng aspirin cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi.

Aspirin gây rối loạn cân bằng đông máu - chảy máu:

Do aspirin ức chế COX-1 mà làm giảm tromboxan-2 nên làm giảm tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Điều này có lợi cho người bệnh tim mạch để ngăn ngừa sự đông máu nhưng có hại cho người đang bị chảy máu hay có nguy cơ chảy máu, làm giảm sự vững bền của mao mạch, gây xuất huyết, kéo dài thời gian chảy máu. Với trẻ bình thường dùng aspirin không có lợi (vì dùng lặp lại nhiều lần sẽ rối loạn cân bằng đông máu - chảy máu). Với trẻ em bị chảy máu (do tổn thương) bị ban xuất huyết dưới da hay bị sốt xuất huyết thì dùng aspirin rất nguy hiểm. Ví dụ: khi bị sốt xuất huyết thì có thể bị xuất huyết ở dưới da và cả ở đường tiêu hóa nếu dùng aspirin thì không cầm được chảy máu, dẫn dến tụt huyết áp, trụy tim mạch, tử vong.

Aspirin gây dị ứng:

Trẻ em đặc biệt là trẻ có cơ địa dị ứng thường hay bị dị ứng nhưng khả năng chống dị ứng thì rất thấp. Aspirin là tác nhân gây dị ứng, có khi gây dị ứng nhẹ (nổi mày đay, ban xuất huyết) nhưng có khi gây dị ứng rất nặng (sốc phản vệ).

Aspirin gây ra các triệu chứng về hô hấp:

Bộ máy hô hấp của trẻ rất nhạy cảm, aspirin có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp (với trẻ sơ sinh và nhỏ tuổi có thể làm giảm hay suy hô hấp, đặc biệt gây co thắt phế quản làm nặng thêm bệnh này).

Aspirin gây tăng huyết áp:

Bệnh tăng huyết áp vô căn thường có ở người lớn tuổi. Nhưng do một số yếu tố nguy cơ nào đó (ví dụ như béo phì) nên trẻ có thể bị tăng huyết áp ở tuổi thiếu niên. Do ức chế COX-1 aspirin làm giảm PG-12, tăng giải phóng renin nên sẽ gây ra tăng huyết áp. Điều này sẽ không lợi cho các em đã bị tăng huyết áp.

Aspirin gây hại thận:

Trẻ em nhất là trẻ sơ sinh thì chức năng lọc của ống thận và thải thuốc qua ống thận kém. Trong khi đó, aspirin thải trừ chủ yếu qua thận nên khi dùng aspirin cho trẻ em thì sự thải trừ aspirin sẽ chậm, dễ gây ngộ độc. Aspirin ức chế COX - 1 làm giảm PG - 12 ở thận, giảm lưu lượng máu nuôi thận, giảm độc lọc cầu thận, giải phóng rennin gây rối loạn nước- điện giải, rối loạn chức năng tiểu cầu thận, viêm thận mô kẽ, hoại tử nhú than, suy thận cấp, tăng kali máu. Trẻ nhỏ dùng aspirin nhiều lần càng dễ xảy ra tai biến này.

Do những điều nói trên không được dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi. Trong các trường hợp trên, nếu cần thì có thể dùng paracetamol. Paracetamol không có những tác dụng không mong muốn như aspirn nên có thể dùng cho trẻ em kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chỉ nên dùng paracetamol trong một thời gian ngắn (2 - 3 ngày) đúng liều lượng, nếu các triệu chứng không khỏi thì tìm nguyên nhân bệnh mà chữa chứ không dùng kéo dài và tăng liều vì sẽ có hại (vì paracetamol có thể gây viêm gan cấp).

vi sao khong duoc cho tre uong aspirin

Aspirin là tác nhân gây dị ứng nổi mày đay, ban xuất huyết

Một số trường hợp ngoại lệ

Tuy nhiên trong một số trường hợp, thầy thuốc có thể cho dùng aspirin. Những trường hợp đặc biệt đó là:

Bị thấp do liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A:

Nếu không được điều trị, trẻ sẽ bị viêm nhiều cơ quan đặc biệt gây tổn thương các cơ vân tim để lại di chứng hẹp hở van tim. Do đó, ngoài việc dùng thuốc kháng liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A (tiêm penicillin liều cao), người ta còn dùng aspirin để kháng viêm.

Bị viêm khớp dạng thấp thiếu niên:

Là dạng viêm khớp mạn, thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi, đi kèm với hiện tượng sốt mệt mỏi giảm cân. Cần dùng aspirin để hạ sốt kháng viêm giảm đau.

Bị bệnh tim liên quan đến huyết khối:

Trẻ bị bệnh cơ tim giãn nở sẽ có nguy cơ bị huyết khối - nghẽn mạch gây ra các biến chứng tim mạch thứ cấp khác. Cần dùng aspirin để ngăn sự hình thành huyết khối - nghẽn mạch.

Bị hội chứng Kawasaky:

Hội chứng này xảy ra ở mạch máu nhỏ và trung bình gây dị ứng nặng ở mạch vành. Dùng aspirin để giảm các tổn thương ở mạch vành (vì thương tổn ở mạch vành sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho cơ tim).

Đây là các ngoại lệ được ghi trong các phác đồ điều trị kinh điển. Khi áp dụng ngoại lệ này thì phải: tuân theo chi định của thầy thuốc. Phối hợp với thầy thuốc theo dõi. Trong thời gian dùng aspirin mà gặp các bất thường (ví dụ trẻ bị nhiễm khuẩn, bị lên cơn hen) thì phải báo cáo thầy thuốc xử lý. Hiện nay có nhiều thuốc tốt có thể thay thế aspirin nên cũng có thầy thuốc không áp dụng một số ngoại lệ này.

Theo DS.CKII. BÙI VĂN UY/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast