Mexico, Chile và Costa Rica bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19

(Baohatinh.vn) - Một y tá Mexico, hôm 24/12, đã trở thành người đầu tiên ở châu Mỹ Latinh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 bên ngoài khuôn khổ các thử nghiệm lâm sàng.

Mexico, Chile và Costa Rica bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19

Y tá người Mexixco Maria Irene Ramirez là người đầu tiên ở châu Mỹ Latinh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 bên ngoài khuôn khổ các thử nghiệm lâm sàng. (Ảnh: Reuters)

Mexico đã ký thỏa thuận mua 34 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 có tên BNT162b2 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty BioNTech (Đức) hợp tác phát triển.

Quốc gia Bắc Mỹ này đã nhận được lô vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên với 3.000 liều hôm 23/12. Mexico nằm trong số các quốc gia có số người chết vì nCoV cao nhất thế giới, bên cạnh Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Hôm qua, Mexico bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19. Nữ y tá chuyên về chăm sóc sức khỏe đặc biệt ở thủ đô Mexico City Maria Irene Ramirez, 59 tuổi, là người đầu tiên tình nguyện được tiêm chủng.

Phát biểu với báo giới sau khi được tiêm mũi đầu tiên của liệu trình hai mũi vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech, y tá Maria Irene Ramirez nói rằng đây là “món quà tuyệt vời nhất” mà bà có thể nhận được trong năm nay.

Chính phủ Mexico cho biết họ muốn triển khai tiêm vaccine cho tất cả các nhân viên y tế đang làm việc tại tuyến đầu chống dịch Covid-19 vào cuối quý I/2021.

Mexico đã ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm Covid-19 cho đến nay, với ít nhất 121.000 ca tử vong, theo thống kê từ đại học Johns Hopkins.

Cũng trong ngày 24/12, Chile và Costa Rica đã bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19.

Tại Chile, chuyến bay chở 10.000 liều vaccine của hãng Pfizer-BioNTech đã tới sân bay Santiago vào sáng 24/12. Các nhân viên y tế đến từ 4 vùng của Chile là những đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine này trong cùng ngày.

Trong khi đó, Costa Rica đã tiếp nhận lô đầu tiên gồm 9.750 liều vaccine của hãng Pfizer-BioNTech vào chiều 23/12 và tiến hành tiêm chủng từ ngày 24/12.

Mexico, Chile và Costa Rica bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19

Bà Elizabeth Castillo, 91 tuổi, là một trong những người đầu tiên ở Costa Rica được tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, Costa Rica thông báo đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer-BioNTech và các nhân viên y tế và người cao tuổi là đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine này.

Chile đã ghi nhận gần 600.000 ca nhiễm và hơn 16.300 trường hợp tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, Costa Rica báo cáo gần 163.000 trường hợp nhiễm và hơn 2.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này.

Argentina cũng có kế hoạch bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 trong vài ngày tới. Tuy nhiên nước này đã chọn vaccine Sputnik V do Nga sản xuất cho giai đoạn đầu. 300.000 liều vaccine Sputnik V đã được vận chuyển tới thủ đô Buenos Aires vào sáng 24/12, sẵn sàng cho chương trình tiêm chủng.

Mexico, Chile và Costa Rica bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19

Cảnh sát hộ tống xe tải chở vắc xin Sputnik V của Nga tại Argentina. (Ảnh: Reuters)

Brazil – quốc gia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất trong khu vực Mỹ Latinh, phải đến giữa tháng 2/2021 mới bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt mặc dù số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở đất nước này gần đây có xu hướng tăng đột biến.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố không có ý định tiêm chủng. Ông tin rằng mình đã phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 sau khi nhiễm Covid-19 và được chữa khỏi vào đầu năm nay.

(Theo BBC)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.