Tình hình đất nước sau độc lập gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền non trẻ phải cùng lúc đối phó với thù trong, giặc ngoài và nạn đói khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Trước tình hình đó, Bác Hồ, Thường vụ Trung ương Đảng theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam và căn dặn nhân dân Nam bộ bình tĩnh, nhân nhượng để giữ vững nền hòa bình. Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, giữa đêm 23/9/1945, quân Pháp đồng loạt tấn công các vị trí của chính quyền cách mạng, nhân dân Nam bộ không thể nhân nhượng thêm. Tiếng súng đáp trả lập tức nổ vang khắp nơi.
Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến, nhân dân Sài Gòn đồng lòng đứng lên chống Pháp. Ảnh tư liệu
Ngay sáng hôm sau, lời kêu gọi chiến đấu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã đến với hàng triệu người: “Độc lập hay là chết!”, “Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược!”. Kẻ thù đã buộc nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được. Quân và dân Nam bộ, mở đầu là Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhất tề đứng dậy, thay mặt nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến.
Ngay từ ngày đầu tiên, nhân dân Sài Gòn đã tiến hành tổng đình công với những công sở, xí nghiệp, cửa hàng đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu mọc lên khắp phố phường. Đội tự vệ, thanh niên xung phong cùng nhân dân chia nhau canh gác các ngả đường, giáng trả quân địch những đòn quyết liệt. Kế hoạch bình định Nam bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Quân và dân Sài Gòn được sự chi viện của các tỉnh lân cận đã tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà, ngõ phố, giam chân địch suốt một tháng trời. Bằng những vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp, bảo vệ non sông.
Những tấm gương, những tin tức đầu tiên về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân và dân miền Nam đã làm rung động cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Các đội giải phóng quân được thành lập, ra đi với quyết tâm cứu nước, khí thế bừng bừng.
Nhân dân Nam bộ đã đi trước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với khí thế hào hùng như thế. Và trong cuộc kháng chiến 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp, họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề là chiến trường phối hợp, tiêu hao sinh lực địch nhằm tạo điều kiện cho chiến trường miền Bắc đánh những đòn tiêu diệt lớn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, Nam bộ là chiến trường chính và lại “đi trước” trong cuộc đấu tranh vũ trang. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, toàn dân Nam bộ đã lập tức vùng lên làm cuộc đồng khởi và mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang, đánh bại quân xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Với truyền thống “đi trước”, gánh chịu những hy sinh, gian khổ, mất mát lớn lao, miền Nam về đích độc lập, tự do sau cả nước 21 năm. Nhưng sự “về sau” đó đầy vinh quang, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ đã trao tặng. Hơn 70 năm đã đi qua nhưng khí thế của những ngày miền Nam “đi trước” như vẫn còn hừng hực trên con đường đi lên của cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương ngày nay, người Sài Gòn đang quyết tâm với khí thế cao nhất để “đi trước, về trước” như lời chúc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với những gì Sài Gòn đã làm được trong những năm qua, đó không chỉ đơn thuần là một lời chúc mà đã trở thành một kỳ vọng, một quyết tâm, một sự khẳng định.