>>Mô hình “2 trong 1”: Chỗ ngừng thí điểm, nơi tiếp tục nhân rộng!
Giảm các khâu trung gian
Mục đích cơ bản nhất của xây dựng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã là để đổi mới, tạo sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác ở địa phương. Mục đích này đã đạt được ở những mô hình thành công trong những năm qua.
Năm 2016, Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) về đích NTM. Trước đó 1 năm, xã Cẩm Huy thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Trong cương vị người đảm nhiệm “2 vai”, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Quyền nhìn nhận: “Khi đảm nhiệm 2 chức vụ này, tôi thấy quá trình triển khai chủ trương thuận lợi hơn. Ví dụ như khi giao ban, có thể triệu tập phía cấp ủy, chính quyền, MTTQ. Nếu chỉ đơn thuần là chủ tịch UBND xã thì khi cần chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể lại rất khó khăn, nhưng khi đảm nhiệm chức vụ đồng thời này thì việc triển khai thực hiện ngay tại buổi trao đổi, quán triệt, nhờ đó, bỏ qua được các khâu trung gian”.
Nhờ thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, tạo được sự đồng thuận trong đảng viên, nhân dân nên trong những năm qua, cơ sở hạ tầng của xã Đức Thịnh (Đức Thọ) được cải thiện.
Bí thư Chi bộ thôn 3 (Cẩm Huy) Đặng Đình Tuấn, người có kinh nghiệm gần 20 năm làm bí thư, trưởng thôn khẳng định: “Với hình thức nhất thể hóa này, công tác chỉ đạo của xã thống nhất hơn, trôi chảy hơn; chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng nâng cao hơn do cán bộ phấn khởi, tin tưởng ở cán bộ xã”. Bí thư chi bộ này còn cho rằng, tại thôn cũng nên áp dụng mô hình nhất thể hóa vì càng nhiều bộ máy càng cồng kềnh, khó điều hành.
Cũng với tư cách người trong cuộc, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho hay: “Mô hình này làm cho người đứng đầu phải làm việc nhiều hơn, áp lực hơn. Nhưng, cái được của mô hình là việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách thuận lợi hơn vì giảm được các khâu trung gian”. Đồng chí Hàm còn dẫn dụ: “Khi phát biểu hay chỉ đạo với tư cách là chủ tịch UBND, tôi có thể chuyển tải chủ trương, nghị quyết của cấp ủy khá dễ dàng và ngược lại. Điều này làm cho nhận thức của cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ công tác Đảng và công tác của chính quyền nhuần nhuyễn hơn”.
Nỗi lo chuyên quyền, mất dân chủ
Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã ra đời và thành công ở một số địa phương, chứng tỏ thực tiễn hoạt động bộ máy đang đặt ra những đòi hỏi cần thay đổi, điều chỉnh. Song, hoạt động của mô hình này hiện vẫn vướng nỗi lo mất dân chủ, dễ phát sinh những tiêu cực, nhất là tình trạng độc đoán, chuyên quyền, thậm chí, tạo những đặc lợi riêng, nhất là thời điểm nguồn lực đầu tư nhiều. Sự thành công hay không thành công của mô hình, trên thực tế phụ thuộc nhiều vào cá nhân được Đảng (bầu cử trong Đảng) và nhân dân lựa chọn (thông qua bầu cử đại biểu HĐND).
Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) giao ban với cán bộ xã, thôn
Nhiều đơn vị trước đây áp dụng mô hình nay không tiếp tục, phần lớn nguyên nhân xuất phát từ chính người chủ trì. Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) năm 2009 áp dụng mô hình nhưng rồi người đứng đầu thiếu gương mẫu, uy tín thấp nên nhiệm kỳ 2015-2020 buộc phải luân chuyển giữ chức vụ khác. Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm (Hương Khê) do sai phạm trong điều hành, quản lý thời giữ chức bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã dẫn đến phải xử lý kỷ luật. Thậm chí, có đồng chí được giao trọng trách bí thư - chủ tịch nhưng hiệu quả hoạt động không cao, huyện phải tăng cường cán bộ huyện về làm chủ tịch UBND xã.
Mấu chốt ở cơ chế vận hành
Công tác điều hành quản lý nếu chỉ phụ thuộc vào phẩm giá của cá nhân thì xác suất rủi ro luôn lớn. Trái lại, điều cần là phải có sự ràng buộc của cơ chế. Trong khi Trung ương chưa tổng kết đánh giá về mô hình, chưa có hướng dẫn về cơ chế thì tại nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền đã có những cách làm riêng theo hình thức “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.
Phó Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Hà Văn Bình trao đổi: “Để mô hình thành công, huyện đã chú trọng thực hiện những giải pháp như: chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng quy chế làm việc đảm bảo các nguyên tắc sinh hoạt; yêu cầu điều hành quản lý phải tuân theo quy chế. Quan trọng hơn, phải ràng buộc cá nhân với tập thể, vai trò của tập thể nhất định phải được phát huy, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Huyện phải thường xuyên nắm bắt tình hình, đánh giá chặt chẽ cán bộ cấp dưới. Cùng với đó, phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ thông qua việc lấy ý kiến đánh giá của cán bộ cốt cán xã, lấy ý kiến của MTTQ, các đoàn thể”.
Từ thực tiễn mỗi nơi mỗi khác, nơi thành công, nơi ngừng thí điểm, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch cho hay: “Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã phụ thuộc lớn vào năng lực, phẩm chất của cán bộ và phụ thuộc cơ chế vận hành. Chỉ khi xây dựng được cơ chế kiểm soát, vận hành quyền lực thì mô hình này mới thực sự hiệu quả”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Trung ương cần tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình mới này, từ đó, có giải pháp khả thi nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp.