"Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng"...!

(Baohatinh.vn) - Nguyễn Văn Th. (SN 1977) quê mãi tận xứ Thanh, vào Hà Tĩnh làm ăn. Sau một thời gian, Th. gặp Võ Thị Q. (SN 1988, quê xã Kỳ Thư - Kỳ Anh) và tình yêu nảy nở. Rồi họ nên duyên vợ chồng.

Vợ chồng trẻ chí thú làm ăn, được ông bà ngoại cho một mảnh đất nhỏ, hai vợ chồng chắt góp xây nhà, ổn định cuộc sống tại quê vợ. Hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi năm 2012, Q. sinh một bé gái xinh xắn.

 thay the deu tro thanh khap

Minh hoạ của Huy Tùng

Sau 5 năm hạnh phúc mặn nồng, cuộc sống hôn nhân bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Không có sự xuất hiện của người thứ ba, không có mâu thuẫn nào quá sâu sắc nhưng những bất đồng trong cuộc sống hằng ngày khiến hai vợ chồng thường xuyên xảy ra xung đột. Sau mỗi buổi tan làm, không còn những giờ phút vui vẻ, tiếng nói cười hạnh phúc. Không khí gia đình trở nên căng thẳng, ngột ngạt.

Để giải phóng cho mình và cho cả Th., Q. quyết định làm đơn xin ly hôn. Th. cũng “hăng hái” ký đơn để chứng tỏ “tôi cũng chẳng còn cần đến cô nữa”. Tờ đơn nhanh chóng được nộp lên Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh.

Tòa tổ chức hòa giải lần 1 không thành, cả hai đều cho rằng, “vợ chồng không hợp nhau”, “mục đích hôn nhân không đạt được”. Cuộc hòa giải lần 2 được tiến hành, vẫn những lý do cũ, họ quyết định chia tay không hối tiếc.

Không có tranh chấp tài sản, nhưng Th. và Q. tranh chấp quyền nuôi bé Bông. Không ai chịu nhường ai đứa con bé bỏng. Trong mỗi cuộc hòa giải, bằng kinh nghiệm, tâm huyết và kiến thức chuyên môn, vị chánh tòa luôn phải đứng ra phân tích thiệt hơn, những khó khăn, thiệt thòi mà con trẻ phải gánh chịu trong suốt cuộc đời nếu bố mẹ ly hôn, động viên đôi bên để mong hàn gắn họ...

Những ngày chờ đợi phiên tòa là quãng thời gian mà Q. “ăn không ngon, ngủ không yên”. Nhìn bé Bông ngây thơ nói cười, câu hỏi “Bố đi làm lâu về thế mẹ?” cứ làm tim chị nhói đau. Nhìn vào ánh mắt trong veo của con, chị lại nhớ đến câu nói của vị chánh tòa: “Vợ chồng đến với nhau là do duyên số, không dễ gì mà bỏ được đâu em! Mọi sự đổ vỡ, thay thế trong cuộc sống gia đình đều sẽ là vết thương khó lành và con cái là người chịu thiệt thòi nhất”.

Bao đêm thao thức, tình mẫu tử thiêng liêng, nghĩa vợ chồng bao tháng ngày mặn nồng cứ day dứt khôn nguôi trong chị. Rồi chị hẹn gặp anh. Biết chẳng thể dễ dàng mà xa được nhau, anh chị dắt nhau lên tòa xin rút đơn trong sự vui mừng của những người làm luật.

Anh Hoàng Ngọc Tùng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh tâm sự với chúng tôi: “Trong quá trình xử lý các vụ án, vui nhất, ý nghĩa nhất vẫn là hàn gắn được các cuộc hôn nhân bên bờ vực tan vỡ, giữ được mái ấm gia đình có đủ cha và mẹ cho những đứa trẻ. Chúng tôi thấy ấm lòng khi những cố gắng của mình không là vô nghĩa”.

Sau sóng gió trong hôn nhân, anh chị đã quay về bên nhau cùng xây đắp mái ấm, nuôi dạy con cái. Trải qua mất mát, rạn nứt, người trong cuộc càng thấy trân trọng hơn hạnh phúc mình đang có và biết ơn những người đã giúp họ níu giữ hạnh phúc gia đình. “Hôm nọ, vợ chồng anh Th. còn mang hoa quả lên “cám ơn” tòa đấy!” - anh Tùng vui vẻ nói.

Nghe câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ, tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ “Đôi dép” của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên: Nếu một ngày một chiếc dép mất đi/ Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng/ Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết/ Hai chiếc này chẳng phải một đôi.

Chắc anh Th., chị Q. cũng đang thầm nghĩ đến điều đó để tự răn mình.

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.