"Một số trường hợp cụ thể vẫn có lợi ích nhóm trong xây dựng quy hoạch"

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng nay (16/8), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH cùng các đại biểu và các điểm cầu trực tuyến đã nghe chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn. Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn điều hành; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải cùng dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP News

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đây là nội dung còn nhiều bất cập cần sớm có giải pháp xử lý đồng bộ và hiệu quả; đồng thời đề nghị các đại biểu đi thẳng vào nhóm nội dung và làm rõ vấn đề. Đối với người trả lời chất vấn không né tránh, nêu rõ rõ giải pháp, lộ trình và cam kết khắc phục, giúp nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Điểm cầu Hà Tĩnh

Tại phiên chất vấn, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về các vấn đề: Quy hoạch đô thị nước ta thiếu tầm nhìn, tình trạng buông lỏng quản lý quy hoạch; thực trạng các công trình xây dựng ko phép hoặc sai giấy phép, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, đất quốc phòng và trách nhiệm của Bộ; nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng...

Trả lời về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng cho biết một số hạn chế trong quy hoạch đô thị như chất lượng lập quy hoạch; sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch; quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo.

“Ngoài ra sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt cũng ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch” – Bộ trưởng Hà thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn

Đề cập đến hạn chế về tổ chức quản lý và thực hiện, Bộ trưởng xây dựng thừa nhận việc tổ chức, quản lý quy hoạch còn chậm và không đồng bộ, chắp vá. Nguyên nhân một phần xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra có thực hiện nhưng có lúc không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ chưa cương quyết kịp thời tạo tiền lệ nhất định cho vi phạm lần sau.

Trước câu hỏi “có trục lợi hay không trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, cơ bản tổng thể không có nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong xây dựng quy hoạch.

“Bộ sẽ đề xuất công cụ quản lý để hạn chế việc này, bảo đảm quy trình chặt chẽ, tiếp thu được giám sát cộng đồng và ý kiến người dân để bảo đảm điều chỉnh quy hoạch phù hợp”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Trả lời các đại biểu tại phiên chất vấn, về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng cho biết, dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay các quy định tại Luật xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và Nghị định 11 buộc các dự án phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. Nếu như các dự án hiện nay thực hiện đúng quy hoạch chi tiết thì sẽ không có chuyện quá tải bởi trong quy hoạch xây dựng chi tiết đã quy định cụ thể mật độ sử dụng đất, mật độ dân cư tại mỗi dự án.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm và nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...

Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án để tuân thủ quy hoạch chi tiết, đặc biệt khi duyệt dự án phải đảm bảo kế hoạch đồng bộ về hạ tầng xung quanh...

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói