Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 12/8 xác nhận sẽ triển khai khoảng 600 quân đến Afghanistan hỗ trợ di tản công dân Anh và phiên dịch viên địa phương. Mỹ cũng tăng viện 3.000 quân đến sân bay Kabul giúp sớ tán một phần đại sứ quán và công dân khỏi thủ đô Afghanistan.
Ngoài quân tăng viện cho Kabul trong 48 giờ tới, Lầu Năm Góc còn điều động khoảng 3.500 lính đến căn cứ Fort Bragg tại bang Bắc Carolina, sẵn sàng xuất quân nếu chiến sự giữa Afghanistan và Taliban xấu đi.
Khoảng 1.000 nhân sự được huy động đến Qatar hỗ trợ kiểm tra công dân Afghanistan nhập cảnh vào Mỹ theo cơ chế đặc biệt.
Các tay súng Taliban tuần tra ở thành phố Ghanzi, phía tây nam Kabul, Afghanistan vào ngày 12/8. Ảnh: AP.
“Chúng tôi đang đánh giá tình hình an ninh hàng ngày để xác định cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho nhân viên đại sứ quán. Chúng tôi dự kiến chỉ để lại nhân sự ngoại giao cốt lõi tại Afghanistan trong vài tuần tới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trả lời họp báo.
“Đây không phải bỏ mặc, không phải cuộc sơ tán hay hành động rút lui toàn diện. Chúng tôi chỉ giảm quy mô hiện diện dân sự mà thôi”, ông nhấn mạnh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh đợt tăng viện không đồng nghĩa quân đội Mỹ sẽ trở lại giao tranh với Taliban.
Anh, Đức và Mỹ đã đồng loạt khuyến cáo công dân ngay lập tức rời khỏi Afghanistan do lo ngại đà tiến quân của Taliban. Quân nổi dậy sắp kiểm soát toàn diện thành phố lớn thứ hai và thứ ba đất nước là Herat và Kandahar, tiến sát thủ đô Kabul.
Người phát ngôn Taliban khẳng định quân chính phủ liên tiếp thất thủ tại các thành phố lớn cho thấy lực lượng này được người dân ủng hộ. Nhóm tuyên bố đã chiếm xong Herat, trong khi các nhân chứng cho biết phần lớn thành phố Kandahar, trừ doanh trại và sân bay quân sự, đã bị các tay súng Taliban kiểm soát.
Hạn chót Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là ngày 31/8. Theo kế hoạch, Mỹ chỉ để lại 650 quân ở Afghanistan để bảo vệ sân bay và đại sứ quán. Quan chức Mỹ cho biết quy mô đại sứ quán ở Kabul từ hơn 1.400 người sẽ được thu hẹp đáng kể.