Mỹ không còn ảo tưởng sức mạnh?

Điều kiện của quân đội Mỹ “rất đáng lo ngại” vì hầu hết vũ khí trang thiết bị như tàu chiến, máy bay, xe tăng đã cũ và thiếu hụt số lượng.

Cuộc chiến vì tiền trong nội bộ nước Mỹ

Tờ National Interest (NI) của Mỹ mới đây có bài viết, trong đó đặt ra câu hỏi mỉa mai rằng, phải chăng Chính quyền của Tổng thống Biden và đa số nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội tin rằng những đối thủ lớn của Mỹ sẽ sẵn sàng ngồi đợi Washington giải quyết xong các vấn đề trong nước trước khi Washington có đủ năng lực quân sự để tự bảo vệ lợi ích của mình?

Theo NI, chính quyền ông Biden đã đề xuất tăng 1,7% chi tiêu quốc phòng cho năm 2022 nhưng mức tăng này được đánh giá không đủ đề bù đắp lạm phát. Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden cũng yêu cầu tăng 16% chi tiêu nội địa.

Những mức tăng chi tiêu được đề xuất sau khi Chính phủ Mỹ thúc đẩy kế hoạch chi tiêu mới trị giá gần 3.000 tỷ USD kể từ tháng 11/2020 nhằm bù đắp những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Mỹ không còn ảo tưởng sức mạnh?

Chính quyền của Tổng thống J. Biden liên tiếp tung ra các gói cứu trợ nghìn tỷ USD

Kế hoạch chi tiêu khác trị giá ít nhất 2.000 tỷ USD cũng đang được xem xét. Kế hoạch việc làm cho người Mỹ và Kế hoạch gia đình Mỹ được thiết kế nhằm hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ em toàn quốc, hỗ trợ tài chính cho những trường hợp nghỉ ở nhà không lương, học phí đại học, trợ cấp bảo hiểm y tế cùng các hình thức trợ cấp khác lấy từ nguồn tài chính liên bang, mà thực chất là tiền thu thuế.

NI than phiền rằng các chương trình trong nước đã “ngốn” những khoản chi tiêu khổng lồ, song quá ít nguồn lực tài chính được đề xuất để có thể giải quyết những mối đe dọa thực sự từ bên ngoài, những hiểm họa báo trước sự “suy tàn” của nước Mỹ.

Cũng nhân đây, NI chỉ trích quan điểm về chính sách đối ngoại của Mỹ theo đường hướng “phi quân sự hóa”. NI giải thích rằng những người theo quan điểm này tin rằng chiến thuật ngoại giao sẽ giúp kéo dài thời gian cần thiết để chuẩn bị cho chiến tranh nếu việc phát động cuộc chiến là cần thiết.

Hoặc họ tin rằng Mỹ và các đồng minh sẽ có cơ hội để “đáp trả” một cuộc xung đột nếu giải pháp ngoại giao không đem lại kết quả như mong muốn.

Theo NI, Mỹ có thể sẵn sàng hoặc chưa sẵn sàng cho cuộc chiến. Nếu Mỹ chưa sẵn sàng thì Washington sẽ không có cách nào để bù đắp những thiệt hại quân sự. Với chiến tranh, toàn bộ quốc gia, người dân cùng tính mạng và sinh kế của họ, luôn ở trong tình trạng nguy hiểm.

Mỹ không còn ảo tưởng sức mạnh?

NI muốn Mỹ có thêm tiền để xây dựng một quân đội mạnh

Do đó, NI nhấn mạnh rằng một quân đội mạnh sẽ giúp củng cố ngoại giao, đảm bảo các mối quan hệ kinh tế, hạn chế kẻ thù tiềm năng và nâng cao sự thịnh vượng của người dân. NI viết: “Nếu không cung cấp đủ nguồn lực cho quân đội, chúng ta sẽ phải chấp nhận gánh thêm rủi ro đối với tất cả những lĩnh vực kể trên”.

Dù cho rằng nên kiểm soát chi tiêu quân sự, song NI cho rằng khoản ngân sách này cần có bối cảnh và giới hạn. NI viết: “Với kẻ thù hùng mạnh được trang bị sức mạnh quân sự đáng kể và sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó để đạt mục đích riêng thì chúng ta sẽ cần một lực lượng vượt trội hơn về quy mô, tính hiện đại và tính sẵn sàng chiến đấu”.

Tình cảnh bi đát hay đòn tống tiền?

Cũng trong bài viết, NI cho rằng điều kiện của quân đội Mỹ hiện nay là “rất đáng lo ngại”. Lý do không phải vì binh lính Mỹ thiếu ý chí hoặc kỹ năng, mà vì hầu hết các công cụ của họ (tàu chiến, máy bay, xe tăng và các phương tiện tương tự) đã cũ và thiếu hụt số lượng.

Theo NI, phần lớn trang thiết bị quan trọng được đưa vào sử dụng từ những năm 1980 và 1990. Quy mô Hải quân đã giảm gần một nửa so với 30 năm trước. Trong khi đó, số giờ bay của phi công thuộc Không quân Mỹ hiện nay có thể khiến họ không đủ tiêu chuẩn để có thể được triển khai trong Chiến tranh Lạnh.

Mỹ không còn ảo tưởng sức mạnh?

NI tỏ ra bi quan về sức mạnh quân sự hiện có của Mỹ

Tính sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị thuộc Lục quân đã đạt được bước tiến đáng kể, song Lục quân vẫn không có đủ số đơn vị cần thiết để thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra đối với Thủy quân lục chiến. Quân chủng này đã phải giảm quy mô để có đủ tiền phát triển các năng lực cần thiết đề phòng trường hợp chiến tranh xảy ra.

NI nhận định, Mỹ đang phải đối mặt với những “hiểm họa”, bởi trong suốt 20 năm qua, các đối thủ của Mỹ đã liên tục đầu tư cho quân đội với những trang thiết bị mới, công nghệ tối tân và phát triển lực lượng thông qua huấn luyện và đào tạo kỹ năng mới.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ lại để cho quân đội suy giảm năng lực đến mức họ có rất ít khả năng hỗ trợ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng. Ví dụ, Anh gần đây đã tuyên bố sẽ cải tổ quân đội để ưu tiên hơn các chiến dịch đặc biệt, chiến dịch mạng và chiến dịch không gian, khiến London duy trì quân đội ở quy mô thấp nhất kể từ năm 1714 và một lực lượng hải quân chỉ sở hữu 17 tàu chiến.

Mỹ không còn ảo tưởng sức mạnh?

NI cũng không tin tưởng vào sức mạnh quân sự các nước đồng minh

NI cũng lấy ví dụ khác là vào giai đoạn gần cuối Chiến tranh Lạnh, Tây Đức đã triển khai 5.000 xe tăng chiến đấu, nhưng nay Đức chỉ có chưa tới 300 xe tăng. Cả Đức và Pháp đều không có khả năng duy trì các chiến dịch không quân nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ trong hoạt động tiếp nhiên liệu hoặc đạn dược.

Với góc nhìn này, NI cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, Mỹ vẫn phải dựa vào nguồn lực quân sự của chính mình. Nhưng NI cũng tỏ ra cay đắng khi bình luận rằng: “Những gì Washington dựa vào chỉ là cái bóng sức mạnh quân sự mà Mỹ từng sở hữu khi đối diện với các thách thức trên quy mô toàn cầu”.

Do đó, NI tỏ ý chỉ trích những người ủng hộ việc hạn chế chi tiêu quốc phòng để chi nhiều hơn cho các ưu tiên trong nước. Theo NI, mức chi tiêu vốn đã quá thấp để có thể duy trì một đội quân mà nước Mỹ cần.

Đối với chi tiêu trong nước, NI tin rằng luôn có những giải pháp thay thế đến từ sự vận hành của nền kinh tế Mỹ, tinh thần khởi nghiệp của người dân Mỹ và sức mạnh của các cộng đồng địa phương. Trong khi đó, đối với việc bảo vệ quốc gia, không hề tồn tại giải pháp thay thế.

Lựa chọn được NI nêu ra là quân đội Mỹ hoặc có đủ quy mô, tính sẵn sàng chiến đấu và trang thiết bị cần thiết để chiến thắng một cuộc chiến, hoặc không có đủ những điều này, đồng thời cảnh báo về một “hậu quả rất khủng khiếp”.

Như để xát thêm muối vào vết thương lòng của người Mỹ, tờ Thời báo châu Á mới đây cũng bình luận rằng: “Nếu chiến tranh với Nga nổ ra, Mỹ không chắc sẽ giành chiến thắng. Điều này đặc biệt đúng khi trong mọi cuộc chiến mô phỏng mà quân đội Mỹ tham gia theo cùng một kịch bản này, Mỹ đều bị Nga đánh bại. Hiện tại, Moskva đang thách thức Mỹ một cách hiệu quả ở Bắc Cực. Các lực lượng Nga đang tiến xuống Trung Đông và châu Phi”.

Theo Thái Minh/Đất Việt

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.