Theo lịch trình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tới Bình Nhưỡng ngày 5/7 và ở lại đây tới ngày 7/7. Đây là chuyến thăm lần thứ 3 của ông tới Triều Tiên trong năm nay và là chuyến thăm đầu tiên kể từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ 2 hồi đầu tháng 5/2018. Ảnh: KCNA/Reuters |
Đây cũng sẽ là chuyến thăm kéo dài nhất của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 bằng một hiệp ước hòa bình.
Mục đích chuyến thăm lần này của ông Pompeo là nhằm thảo luận với phía Triều Tiên để bổ sung các chi tiết của thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Không còn cách tiếp cận cứng rắn?
Trong cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết sẽ “làm việc để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” để đổi lấy sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận mà hai bên đạt được sau cuộc gặp Thượng đỉnh không cập tới phương thức và thời điểm Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Một số quan chức Mỹ cho rằng thỏa thuận hai bên đạt được thiếu cụ thể về lộ trình phi hạt nhân hóa, không giống như điều nhiều người kỳ vọng ông Trump có thể làm được trong cuộc gặp Thượng đỉnh. Thay vào đó là cách tiếp cận “mềm đi” của chính quyền Tổng thống Trump.
Chính quyền Mỹ trước đây đã yêu cầu Triều Tiên đồng ý hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân trước khi nước này được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của quốc tế. Trước cuộc gặp Thượng đỉnh ở Singapore, ông Pompeo nói rằng Tổng thống Trump sẽ loại bỏ khái niệm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” (CVID).
Sau các cuộc đối thoại ngày 1/7 giữa phái đoàn Mỹ do Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim dẫn đầu với các quan chức Triều Tiên để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Pompeo, khái niệm CVID này dường như bất ngờ biến mất khỏi các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Giới chức Mỹ vẫn tuyên bố Washington sẽ duy trì áo lực cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, trong các tuyên bố từ đầu tuần này, Mỹ lại đưa nhắc đến mục tiêu của mình là “phi hạt nhân hóa được xác minh đầy đủ và cuối cùng như đã được nhất trí với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”.
Cách tiếp cận mềm mỏng hơn
Một số quan chức Mỹ nói với Reuters rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump dường như đã “có bước lùi” so với yêu cầu cứng rắn trước đây về phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Và điều này được thực hiện theo lời khuyên của đồng minh Hàn Quốc.
Hàn Quốc - nước cũng đang theo đuổi các cuộc đàm phán riêng với Triều Tiên, cho rằng các cuộc đàm phán từng bước một nhiều khả năng thành công hơn so với cách tiếp cận cứng đòi hỏi Bình Nhưỡng phải đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ trước khi được hưởng bất cứ sự nhượng bộ nào.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, cũng cần phải chấp nhận thực tế rằng, nếu còn duy trì cách tiếp cận cứng rắn, thì việc Mỹ sẽ khó có thể duy trì hợp tác với Trung Quốc và Nga về vấn đề Triều Tiên. Quan chức này nói rằng, Triều Tiên cũng đã từ chối các cuộc đàm phán với Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim khi Mỹ muốn làm rõ các điều khoản chính trong một thỏa thuận có nhắc đến các cụm từ như: “hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược”. Ông cũng cho rằng, trong hoàn cảnh này, “Sự lựa chọn của Mỹ là hoặc ứng biến theo nó, hoặc phá vỡ nó”.
Reuters dẫn một nguồn tin khác cho biết, một quan chức cấp cao Hàn Quốc đã nói với các quan chức Mỹ trong một cuộc gặp ở Washington hồi tháng 6/2018 rằng, phía Mỹ nên ngừng nhấn mạnh CVID - điều mà Triều Tiên coi một yêu cầu đơn phương từ Mỹ. Thay vào đó, Mỹ nên đề cập việc “giảm đe dọa lẫn nhau”.
Quan chức Hàn Quốc cũng nói rằng, sẽ rất khó để kiểm tra các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên theo cách thông thường với “hàng trăm” nhà điều tra quốc tế, vì Bình Nhưỡng sẽ khó có thể chấp nhận. Mỹ nên chuyển hướng sang cách tiếp cận từng bước một mà Triều Tiên sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Không đưa ra lộ trình cụ thể
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ngày 1/7 nói rằng, phần chính trong chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên có thể giải giáp trong vòng 1 năm, nếu họ đã có quyết định chiến lược để làm điều đó.
Tuy nhiên, ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert từ chối đưa ra một khung thời gian cho vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. “Tôi biết một số cá nhân đã đưa ra lịch trình, nhưng chúng tôi sẽ không đưa ra một khung thời gian cụ thể cho vấn đề này. Vẫn còn rất nhiều điểu phải làm”.