Mỹ phong tỏa tài sản của Tổng thống Putin

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov, phong tỏa tài sản tại Mỹ của hai lãnh đạo này.

“Mỹ phối hợp với đồng minh và đối tác, tiếp tục đáp trả mạnh mẽ hành động tấn công vô cớ và phi lý của Nga nhằm vào Ukraine”, Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/2 cho biết trong quyết định áp lệnh trừng phạt với một loạt lãnh đạo và quan chức Nga, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết toàn bộ tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông Putin và các quan chức sẽ bị phong tỏa. Bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, từ mức 50% trở lên, đều thuộc diện phong tỏa.

Tất cả giao dịch của công dân Mỹ liên quan đến ông Putin và các quan chức trong danh sách hoặc tài sản của họ đều bị cấm, trừ khi được cấp phép đặc biệt.

Mỹ phong tỏa tài sản của Tổng thống Putin

Tổng thống Putin họp báo tại thủ đô Moskva của Nga ngày 22/2. Ảnh: Reuters.

Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

“Mỹ sẽ cùng họ áp lệnh trừng phạt với Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Lavrov và các thành viên nhóm phụ trách an ninh quốc gia Nga”, bà Psaki cho biết. “Quyết định trừng phạt Tổng thống Putin đã được cân nhắc và thảo luận một thời gian”.

Tổng thống Putin trở thành mục tiêu cấp cao nhất trong nỗ lực áp đặt trừng phạt nhằm vào lãnh đạo Nga cùng các quan chức thân cận. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và Anh thông báo sẽ đóng băng mọi tài sản ở châu Âu của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

“Các biện pháp trừng phạt nhằm vào tổng thống và ngoại trưởng của một quốc gia là ví dụ minh chứng cho sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phản ứng.

Bà nhận định quan hệ giữa Moskva và phương Tây đang gần tới mức “không thể quay đầu” sau khi loạt quốc gia ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tổng thống Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Ông nói Nga “không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/2 cho biết lực lượng Nga tiến về thủ đô Kiev từ phía bắc và phía đông, cảnh báo quân đội nước này sẽ đối mặt “đêm khó khăn nhất”. Trong khi đó, phát ngôn viên Tổng thống Ukraine Sergii Nykyforov cho biết nước này “sẵn sàng thảo luận về lệnh ngừng bắn và hòa bình”.

Theo Nguyễn Tiến/VNE

Đọc thêm

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.