Chứng khoán, dầu mỏ, hàng hóa biến động ra sao vì xung đột Ukraine?

Giới đầu tư toàn cầu tỏ ra e dè trước nguy cơ Nga sẽ can thiệp quân sự ở Ukraine.

Chứng khoán, dầu mỏ, hàng hóa biến động ra sao vì xung đột Ukraine?

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đồng cấp người Nga Vladimir Putin đã vạch xong kế hoạch tấn công Ukraine. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/2 tuyên bố ông tin rằng đồng cấp người Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định về can thiệp quân sự ở Ukraine, cảnh báo về một cuộc tấn công có thể diễn ra “trong vài ngày tới”.

Những lo ngại đối đầu với Nga, phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán, tài chính và hàng hóa toàn cầu. Xu hướng lên xuống trên thị trường trong tuần qua gần như chạy theo những dòng tin nóng về Ukraine. Thị trường giải tỏa phần nào sức ép sau khi Moskva phủ nhận cáo buộc của phương Tây về kế hoạch tấn công quân sự Ukraine, khẳng định Nga đã rút một bộ phận binh sĩ, khí tài sau khi kết thúc các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine.

Nhưng xu thế hòa hoãn đó không kéo dài được lâu. Mỹ và các đồng minh phương Tây sau đó tiếp tục khẳng định Nga không hề rút quân, thay vào đó tập trung tăng cường lực lượng áp sát biên giới, sẵn sàng kích hoạt kịch bản tạo cớ để mở đường cho một đòn tấn công quân sự nhằm vào Ukraine. Trong khi Nga khẳng định một số đơn vị đã quay lại căn cứ chính sau khi hoàn tất các cuộc tập trận.

Cuối tuần trước, nhà đầu tư Mỹ có lẽ đã không dám mạo hiểm nắm giữ các tài sản được cho là có nguy cơ quá cao trước thời điểm hai ngày nghỉ cuối tuần, kèm theo đó là ngày nghỉ lễ 21/2 – Ngày Tổng thống Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có hai tuần giảm điểm liên tiếp, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/2 với chỉ số Dow Jones giảm 1,9%, S&P 500 giảm 1,6% và Nasdaq Composite bốc hơi 1,8% so với tuần trước đó. Lợi tức trái phiếu lãi suất kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm, do nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn đối với giai đoạn bất ổn địa chính trị.

Ở chiều ngược lại, dầu thô đã không có màn tăng giá khi căng thẳng Ukraine leo thang. Nguyên nhân đến từ việc nhà đầu tư ngóng chờ triển vọng ngày một rõ ràng hơn về khả năng Iran và Mỹ đạt thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân, đi kèm đó là điều khoản dỡ cấm vận dầu mỏ nhằm vào Tehran, giúp cải thiện đáng kể nguồn cung ra thị trường. Động thái này kích hoạt xu hướng chốt lời trong giới đầu tư sau khi thị trường dầu thô trải qua 8 tuần tăng giá liên tục.

Chứng khoán, dầu mỏ, hàng hóa biến động ra sao vì xung đột Ukraine?

Thị trường dầu mỏ biến động trước những diễn biến liên quan đến khủng hoảng Ukaine. Ảnh: Reuters

Câu hỏi đặt ra hiện nay là điều gì sẽ xảy ra nếu Nga can thiệp quân sự ở Ukraine. Với giới đầu tư, điều đáng quan tâm nhất là giá năng lượng, khi các chuyên gia phân tích cảnh báo giá dầu có thể vọt lên ngưỡng 100 USD/thùng. Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ không gửi quân tới Ukraine, nhưng cam kết sẽ áp trừng phạt “khắc nghiệt” chống Nga nếu ông Putin ra quyết định đánh Ukraine.

“Ông Biden rất cương quyết trong bảo vệ, hỗ trợ Ukraine. Các lệnh trừng phạt như chặn xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ được triển khai để đáp trả hành động quân sự của Moskva. Với việc dầu đang đứng ở mức đỉnh trong nhiều năm gần đây do mất cân bằng cung-cầu, leo thang căng thẳng có thể sẽ đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng và điều này tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu”, Larry Adam, nhà đầu tư trưởng tại Raymond James, nêu quan điểm. Chuyên gia này cũng nhận định nếu xuất hiện giải pháp ngoại giao đưa tới xuống thang đối đầu, giá dầu có thể sẽ thoái lui từ 5-10 USD/thùng, xuống ngưỡng khoảng 80 USD/thùng.

Ngoài dầu thô, Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu. Vì thế, giá nhiên liệu tại châu Âu và thế giới sẽ tăng mạnh một khi Nga can thiệp quân sự ở Ukraine. Giới phân tích cho rằng kịch bản này sẽ châm ngòi cho những bất ổn trên thị trường tài chính.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng sẽ có đứt gãy nghiêm trọng về nguồn cung dầu thô khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Giới phân tích tại Capital Economics nhìn nhận cả Nga lẫn phương Tây đều muốn duy trì dòng trao đổi năng lượng trên thị trường, giá dầu có thể sẽ giảm mạnh. Thay vào đó, có thể xuất hiện cấm vận nhằm vào Nga trên các sảm phẩm như lúa mỳ, kim loại quý và đây là hàng hóa có mức tăng lớn khi thị trường đứt gãy, do Nga là nhà sản xuất, cung ứng lớn những mặt hàng này.

Chuyên gia Larry Adam nhận định tác động của các biến cố địa chính trị trên thị trường tài chính, chứng khoán mang tính ngắn hạn. Thống kê trong ba thập kỉ qua cho thấy các thị trường chứng khoán có xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau khi suy giảm trước các biến cố tấn công khủng bố hay kích hoạt một cuộc chiến tranh. “Nhìn chung, chính sách của FED cùng với xu hướng kinh tế mới là những nhân tố tác động mạnh nhất trong dài hạn về kinh tế và các thị trường tài chính”, ông Adams nhìn nhận.

Theo baotintuc

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.