Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương là hạt nhân để thu hút nhiều dự án phụ trợ vào KKT Vũng Áng. Ảnh: Phúc Quang
Những dự án có khả năng quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; Tổ hợp Sân gold, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm, Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2 và Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ biệt thự sinh thái Nam cầu Phủ của Tập đoàn T&T...
Đồng thời, tỉnh tập trung kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Công ty German Asean Power - Đức, Tập đoàn Intersack - Hàn Quốc...
Hà Tĩnh cũng kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu đô thị của thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh. Tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; du lịch, dịch vụ; dự án sản xuất điện gió, điện sinh học; các dự án xử lý rác thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các huyện, thành phố, thị xã.
Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã chấp thuận 124 dự án, trong đó: 116 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 4.959 tỷ đồng; 8 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 96,6 triệu USD.
Trong tổng số 124 dự án chấp thuận trên, UBND tỉnh chấp thuận 63 dự án (60 dự án trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài); Ban quản lý Khu tế tỉnh chấp thuận 17 dự án (12 dự án trong nước và 5 dự án đầu tư nước ngoài); UBND các huyện, thành phố, thị xã chấp thuận 44 dự án.. Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, giáo dục...
Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt được đầu tư xây dựng tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, quy mô 18 ha với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng sắp đi vào hoạt động
Đặc biệt, ngoài các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, trong năm qua đã thu hút một số dự án lớn đầu tư về lĩnh vực công nghiệp như: Nhà máy gỗ OKAL, OSB tại KKT Vũng Áng của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, công suất 180.000 sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 2.343 tỷ đồng;
Nhà máy May HAIVINA Hồng Lĩnh của Công ty TNHH HAIVINA Hàn Quốc, công suất 12 triệu SP/năm, tổng số vốn đăng ký 15 triệu USD (khoảng 337,5 tỷ đồng), sử dụng khoảng 4.000 - 5.000 lao động; 2 dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Sơn Quang (Hương Sơn) và xã cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) của Công ty GA. Power LTE. LDT - CHLB Đức, tổng công suất 58MW, tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD (khoảng 1.048 tỷ đồng).
Đến nay, toàn tỉnh có 1.183 dự án, trong đó 1.108 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 107.479 tỷ đồng (trong đó UBND các huyện, thành phố, thị xã chấp thuận 339 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.189 tỷ đồng) và 75 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 12.068 triệu USD. Có 17 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư tại Hà Tĩnh, bao gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Anh, Brunei, Úc, Mỹ, Thái Lan, Philipine, Lào, Trung Quốc; Seychelles, Cộng hòa Séc, Singapore, Hồng Kông và Samoa. |