Nam Phi: Dịch tả bùng phát cướp đi sinh mạng của hơn 20 người

Bệnh tả không phải là bệnh đặc hữu ở Nam Phi, nhưng quốc gia này đã ghi nhận một số ca bệnh trong năm nay do bệnh bùng phát ở các nước lân cận như Malawi và Mozambique.

Nam Phi: Dịch tả bùng phát cướp đi sinh mạng của hơn 20 người

Bệnh nhân mắc tả được điều trị tại Beira, Mozambique. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi , dịch tả đang lây lan nhanh tại vùng Hammanskraal - khu vực thuộc miền Bắc tỉnh Gauteng của nước này.

Ngày 26/5, giới chức y tế vùng Hammanskraal xác nhận dịch tả đã cướp đi sinh mạng của 21 người tại đây.

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Gauteng cho biết số ca mắc bệnh tả đang được điều trị tại Bệnh viện Jubilee Memorial cũng đã tăng lên 44 trường hợp.

Hiện các cơ quan chức năng tại tỉnh Gauteng - nơi có thủ đô hành chính Pretoria và thành phố Johannesburg lớn nhất Nam Phi - đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó có hệ thống, trong đó bao gồm cả việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Ngày 25/5, Sở Y tế tỉnh Free State cũng xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh tả tại tỉnh này.

Trước tình hình này, giới chức Nam Phi đã kêu gọi người dân tránh ăn và tiếp xúc với thực phẩm, nguồn nước và các bề mặt có hoặc nghi ngờ nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả , rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm hoặc sau khi sử dụng phòng tắm, nhà vệ sinh.

Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đ­ường tiêu hoá qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh này có thể gây tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị.

Bệnh tả không phải là bệnh đặc hữu ở Nam Phi, nhưng quốc gia này đã ghi nhận một số ca bệnh trong năm nay do bệnh bùng phát ở các nước lân cận như Malawi và Mozambique - hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ đầu năm đến nay.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu ca bệnh tả tại Nam Phi, song Gauteng - tỉnh đông dân nhất cả nước, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đợt bùng phát bệnh tả gần đây nhất ở Nam Phi xảy ra vào các năm 2008 và 2009 khi ghi nhận khoảng 12.000 trường hợp mắc bệnh, sau đợt bùng phát dịch ở quốc gia láng giềng Zimbabwe, dẫn đến gia tăng các ca nhiễm bệnh nhập cảnh và sau đó lây lan trong nước.

Liên hợp quốc cho biết bệnh tả đã bùng phát trở lại kể từ năm 2021 sau 1 thập niên giảm dần.

Trong tuần này, Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo khoảng 1 tỷ người ở 43 quốc gia trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát trở lại là tình trạng đói nghèo, xung đột và biến đổi khí hậu gia tăng trên toàn cầu.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Quan chức cấp cao về nhân đạo của LHQ cảnh báo người dân Gaza đang phải sống trong tình cảnh đặc biệt tồi tệ dưới tác động của nạn đói, điều kiện sống khắc khổ cùng với thời tiết mưa lớn vào mùa Đông và giao tranh vẫn tiếp diễn.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.