NATO thành lập trung tâm vũ trụ mới

Lo ngại các hệ thống chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc, khối NATO đã quyết định thành lập một trung tâm vũ trụ để theo dõi, bảo vệ các vệ tinh “thân thiện”, giúp duy trì thông tin liên lạc vệ tinh, điều hướng vũ khí, điều hành các hoạt động quân sự trên toàn cầu, và có khả năng phát triển thành trung tâm chỉ huy các biện pháp phòng thủ.

Vào những năm 1980, chỉ một phần nhỏ liên lạc của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization - NATO) được thực hiện qua vệ tinh, hiện nay, tỷ phần đó đạt ít nhất 40%. Hiện có khoảng 2.400 vệ tinh quay quanh Trái Đất, với 60% thuộc về 30 quốc gia hoặc công ty thành viên NATO; khoảng 80 quốc gia sở hữu vệ tinh và nhiều công ty tư nhân cũng đang rục rịch phóng. Trong Chiến tranh Lạnh, NATO có hơn 20 trạm liên lạc vệ tinh, nhưng nhờ các công nghệ mới, liên minh quân sự này đã có thể tăng gấp đôi phạm vi phủ sóng với chỉ 4 trạm như hiện nay.

Được biết, tại một ngọn đồi ở Kester, cách thủ đô Brussels của Bỉ 25km về phía Tây, có có 4 khối màu trắng hình quả bóng khổng lồ, đường kính 2 trong số các anten khoảng 16m, có hàng rào kiên cố ngăn cách, là công trình tối mật, được gọi là “trạm radar”. Phần lớn cơ sở được bao bọc bởi các tấm thép dày, bao gồm cả các ống dẫn cáp chạy, để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào bởi các xung điện từ - những vụ nổ năng lượng cao có thể đánh sập lưới điện hoặc phá hủy các bảng mạch và linh kiện điện tử.

Một số người dân địa phương đã nhìn thấy những người Nga “bí ẩn” lảng vảng trong khu vực và trong những năm qua, tồn tại tin đồn rằng đó có thể là căn cứ chứa các đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Nhưng thực chất nó chính là trung tâm liên lạc không gian của NATO - trạm lớn nhất và hiện đại nhất trong số 4 trạm tương tự mà liên minh quân sự này vận hành.

NATO thành lập trung tâm vũ trụ mới

NATO chính thức coi không gian là “môi trường tác chiến” mới, một”lĩnh vực đối đầu mới"; Nguồn: euro-sd.com

Từ Kester, các anten này truyền tính hiệu lên các vệ tinh của Mỹ, Anh, Pháp, Italia trên quỹ đạo (bản thân NATO không có vệ tinh riêng) và các kênh liên lạc mới có thể được thiết lập cho NATO trong vòng nửa giờ. Các chỉ huy của NATO tại những điểm nóng như Afghanistan hay Kosovo dựa vào một số kênh liên lạc để điều hướng, liên lạc, chia sẻ thông tin tình báo và chỉ huy các chiến dịch quân sự.

Thông tin được thu thập và cung cấp thông qua các vệ tinh trên không gian rất quan trọng đối với các hoạt động và sứ mệnh của NATO, bao gồm phòng thủ tập thể, ứng phó khủng hoảng, chống khủng bố và cứu trợ thảm họa... Nhờ nó, NATO và đồng minh có thể phản ứng các cuộc khủng hoảng với tốc độ, hiệu quả và độ chính xác cao hơn.

Sự phát triển trong việc chinh phục không gian và những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ vũ trụ đã tạo ra những cơ hội mới, đồng thời cũng tạo ra những rủi ro mới, những lỗ hổng và những mối đe dọa tiềm tàng. Trong khi có thể được sử dụng cho mục đích hòa bình, không gian cũng có thể được sử dụng cho mục đích gây hấn. Vệ tinh có thể bị tấn công, gây nhiễu hoặc bị vũ khí hóa và vũ khí chống vệ tinh có thể làm tê liệt liên lạc và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của khối.

Cùng với Mỹ, trong những năm gần đây, các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã phát triển khả năng không gian của mình. Nga, Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau chống vệ tinh, trong khi Ấn Độ sau khi phóng vệ tinh nội địa cũng đã thử thành công tên lửa chống vệ tinh. Ngoài ra, khoảng nửa triệu mảnh rác trôi trong không gian cũng là một mối đe dọa lớn.

NATO thành lập trung tâm vũ trụ mới

NATO đánh giá cao vai trò của liên lạc vệ tinh trong các hoạt động quân sự; Nguồn: csis.org

Tổng Thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đánh giá cao tầm quan trọng của các chương trình không gian và đặc biệt là việc sử dụng vệ tinh trong các giao dịch thương mại, dự báo thời tiết, điện thoại di động và các hoạt động ngân hàng … trong xã hội dân sự. Đối với NATO, các vệ tinh cung cấp khả năng định hướng, điều hướng vũ khí, thu thập thông tin tình báo, liên lạc và phát hiện các vụ phóng tên lửa cũng như điều phối các hoạt động quân sự của NATO trên toàn cầu. Vì vậy, liên minh này cần phải có nhận thức tốt về những gì đang xảy ra trong không gian, có quyền truy cập đáng tin cậy vào các dịch vụ vũ trụ và duy trì lợi thế công nghệ của mình.

Trong cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 ngày, bắt đầu ngày 22/10, giới lãnh đạo quân sự của 30 quốc gia thành viên NATO đã xem xét kế hoạch, quyết định và chính thức công bố xây dựng một trung tâm vũ trụ mới tại căn cứ không quân Ramstein, thuộc tiểu bang Rhineland-Palatinate của Đức, gần biên giới Đức-Pháp. Theo Tổng thư ký NATO, trung tâm vũ trụ mới sẽ mang đến cho các quốc gia thành viên NATO cơ hội quan sát không gian và vệ tinh, cũng như thu thập dữ liệu về các mối đe dọa có thể xảy ra đối với vệ tinh và theo dõi cách thức di chuyển của các mảnh vỡ không gian.

Đây là một phần trong nỗ lực của liên minh nhằm dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại của các nước thành viên về “hành vi ngày càng gây hấn trong không gian” của Trung Quốc và Nga - những quốc gia bị cáo buộc là đang phát triển các hệ thống chống vệ tinh có thể làm mù, vô hiệu hóa hoặc bắn hạ vệ tinh và tạo ra các mảnh vỡ nguy hiểm trên quỹ đạo. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cũng có khả năng trung tâm vũ trụ sẽ được phát triển thêm thành trung tâm chỉ huy các biện pháp phòng thủ.

Theo Wang Ya"nan - một chuyên gia trong ngành và là biên tập viên chính của Aerospace Knowledge, với vị trí địa lý đặc biệt, trung tâm này có khả năng giám sát các vệ tinh ở châu Âu và châu Á, tăng cường giám sát và phá hủy vệ tinh, đồng thời thu thập dữ liệu của các vệ tinh thù địch cho các quốc gia NATO. Kết hợp với khả năng không gian hiện tại, việc truy cập các dữ liệu như vậy sẽ mang lại cho Mỹ lợi thế mạnh mẽ trong chiến tranh không gian trong tương lai. Còn chuyên gia quân sự Trung Quốc kiêm nhà bình luận truyền hình Song Zhongping tin rằng, hệ thống NATO phục vụ tham vọng không gian của Mỹ.

Để các lực lượng NATO liên lạc an toàn và nhanh chóng hơn, NATO đang đầu tư hơn 1 tỷ EUR vào việc mua sắm các dịch vụ liên lạc vệ tinh cho giai đoạn 2020-2034. Đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của liên minh vào liên lạc vệ tinh, cho phép liên lạc linh hoạt và bền vững hơn với các tàu trên biển, thiết bị và các đơn vị trên toàn cầu. Hiện tại, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này vẫn khẳng định “cách tiếp cận của họ sẽ mang tính phòng thủ và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”, và rằng, “NATO không có ý định đưa vũ khí vào không gian”…

NATO thành lập trung tâm vũ trụ mới

NATO quyết định xây dựng một trung tâm vũ trụ mới tại Đức; Nguồn: timesofindia.com

Có thông tin, NATO đang có kế hoạch thành lập một cơ quan tư vấn - nơi các nhà phân tích sẽ nghiên cứu mọi vấn đề và phát triển học thuyết, hoạch định chiến lược cho các hoạt động quân sự của NATO trong không gian. Hai địa điểm khả thi cho tổ chức này là thị trấn Kalkar, ở North Rhine-Westphalia (Đức), hoặc Toulouse (Pháp). Cả Pháp và Đức đều đang vận động, chạy đua để trở thành nơi đóng đại bản doanh của cơ quan này.

Một đề xuất của Hiệp hội Thương mại thuộc Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức khuyến nghị xây dựng một bệ phóng vệ tinh di động ở giữa Biển Bắc có thể sẽ được các lực lượng vũ trang của Đức và NATO sử dụng trong tương lai, lập luận rằng, động thái như vậy sẽ nuôi dưỡng một hệ các công ty sinh thái có mô hình kinh doanh dựa vào các vụ phóng vệ tinh cỡ nhỏ vào không gian với chi phí thấp, theo mô hình SpaceX của Elon Musk.

Các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí coi không gian là “môi trường tác chiến thứ 5”, cùng với đất liền, trên biển, trên không và không gian mạng, và là một “lĩnh vực đối đầu mới” của liên minh; đề xuất cho phép NATO yêu cầu các đồng minh cung cấp liên lạc vệ tinh hoặc hình ảnh để hỗ trợ các hoạt động quân sự. Đồng thời, cũng thúc đẩy các cuộc thảo luận chuyên sâu trong nội bộ liên minh về vấn đề liệu các cuộc tấn công từ hoặc trong không gian có thể kích hoạt Điều 5 Hiệp ước Phòng thủ Tập thể của NATO?.

Theo VOV

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.