Làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ nổi bật giữa cánh đồng lúa bắt đầu chín vàng, xa xa là ngọn Chung Sơn huyền thoại.
Nằm giữa làng quê nông thôn mới trù phú, căn nhà của Bác Hồ ở cụm di tích Hoàng Trù quê ngoại hiện lên dưới những hàng cau, lũy tre xanh rợp bóng mát, gợi lên cảm giác thân thương, quen thuộc.
Những ngày này, lượng du khách về thăm quê Bác bắt đầu đông lên. Hình ảnh mái nhà tranh mộc mạc đơn sơ, nơi 133 năm về trước Bác Hồ kính yêu đã cất tiếng khóc chào đời, luôn gợi lên trong lòng du khách những cảm xúc thương nhớ khôn nguôi.
Tại làng Hoàng Trù quê ngoại, du khách khắp mọi miền còn được ngắm những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Bác Hồ. Đó là bộ tràng kỷ bằng tre, sập gỗ, chiếc mâm ăn cơm, khung cửi dệt lụa của thân mẫu hay chiếc võng đưa nôi thuở còn thơ bé...
Cách Hoàng Trù khoảng 2 km là làng Sen quê nội của Bác Hồ. Nơi đây chứng kiến quãng đời niên thiếu của Bác trong giai đoạn từ năm 1901-1906. Đây là khoảng thời gian sau khi sinh mẫu Người là bà Hoàng Thị Loan và người em Nguyễn Sinh Xin mất, Bác về sống cùng cha ở làng Sen. Ảnh: Cụm di tích làng Sen trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Toàn cảnh khu vườn và ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - phụ thân của Bác Hồ.
Qua hàng rào dâm bụt, ngôi nhà nằm lặng lẽ dưới bóng tre xanh, gợi cảm giác thân thương, gần gũi cho du khách.
Bên trong ngôi nhà của Bác, du khách chăm chú nghe hướng dẫn viên kể về những ngày tuổi thơ của Bác ở làng Sen. Trong căn nhà này, những câu chuyện luận bàn thế cuộc của người cha và các danh sỹ đương thời đã giúp Người nuôi dưỡng ý chí cách mạng, ra đi tìm đường cứu nước sau này.
Gắn với tuổi thơ của Bác những ngày ở làng Sen là những người hàng xóm thân thương, gần gũi mà sau này, Bác vẫn thường hay nhắc đến. Trong ảnh: Ngôi nhà của ông Hoàng Xuân Tiệng, láng giềng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ.
Khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan tọa lạc ở lưng chừng núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Đường lên khu lăng mộ gồm 269 bậc đá. Khu mộ được tạo lập vào năm 1942, khi ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai Bác Hồ đưa hài cốt mẹ về an táng tại đây.
Về thăm quê Bác, du khách còn có dịp ghé thăm ngọn Chung Sơn (xã Kim Liên, Nam Đàn), nơi gắn với nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của Người.
Cùng đó là đền Chung Sơn, ngôi đền thờ những người thân yêu trong gia đình Bác Hồ.
Tháng 5 là lúc toàn dân tộc hướng về kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác. Trên những nẻo đường về Kim Liên, hoa sen bắt đầu tỏa hương thơm ngát, khiến bước chân du khách muôn phương lại thêm rộn ràng, bao trái tim bồi hồi tưởng nhớ công ơn to lớn về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.