Công an xã Tân Lộc (Lộc Hà) đã phát hiện, xử lý trường hợp học sinh B.V.G.H (SN 2008) chế tạo, mua bán pháo nổ.
Thời gian gần đây, nhất là gần dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, lực lượng công an đã phát hiện nhiều trường hợp học sinh chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo. Theo thống kê từ Công an Hà Tĩnh, chỉ tính từ tháng 11/2021 tới nay, lực lượng chức năng đã xử lý 50 vụ với 70 học sinh THCS và THPT liên quan tới pháo nổ.
Cùng đó, tình trạng học sinh vi phạm trong quá trình tham gia giao thông cũng đang có dấu hiệu tăng lên. Các hành vi dễ nhận thấy là học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi hay không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, lạng lách. Trong thời gian qua, lực lượng CSGT các địa phương cũng đã xử lý hàng trăm lượt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Việc không chấp hành Luật Giao thông khi điều khiển phương tiện của học sinh vẫn còn diễn ra. Trong ảnh: 2 nữ sinh ở Nghi Xuân đi trên xe máy điện trên tuyến đường tỉnh ĐT 547 mà không đội mũ bảo hiểm.
Ngoài những hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ, trật tự ATGT, tình trạng bạo lực học đường, học sinh tham gia các tệ nạn xã hội cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên như môi trường sống; sự lơ là trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục của gia đình, nhà trường; sự bùng nổ của mạng xã hội, phim ảnh, trò chơi bạo lực…
“Học sinh là lứa tuổi chưa có sự phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý và nhận thức, thích thể hiện “cái tôi” trong khi thiếu vốn sống, hiểu biết xã hội. Ở độ tuổi này, các em thường hiếu động, bướng bỉnh, khủng hoảng tâm lý nếu như gia đình, nhà trường và xã hội chưa có sự quan tâm đúng mức”, Thượng tá Bùi Đức Thuận - Phó Trưởng Công an TP Hà Tĩnh nhìn nhận.
Công an Hà Tĩnh xử lý 4 học sinh có hành vi xâm nhập trái phép lớp học trực tuyến.
Trước thực tế này, trong những năm qua, nhà trường, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên, trong đó chú trọng vào lứa tuổi học sinh.
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Cao Ngọc Châu cho hay: Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của học sinh trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, lực lượng công an các cấp tích cực phối hợp với trường học tổ chức các buổi tuyên truyền, ký cam kết phòng chống vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự ATGT.
Học sinh trường THCS Phan Đình Phùng (Hương Sơn) ký cam kết phòng chống vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự ATGT trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
“Thông tin từ các cán bộ, chiến sĩ công an cung cấp cho học sinh thực sự hữu ích, quý báu. Từ đây, giúp các em nắm vững quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, xử lý một số tình huống thực tế thường gặp trong khi lưu thông trên đường hay các quy định về quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong học sinh về nhận thức trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật”, thầy Trần Đình Thìn - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng (Hương Sơn) đánh giá.
Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Theo nhìn nhận của Thượng tá Bùi Đức Thuận, ngoài sự vào cuộc của nhà trường, ngành chức năng thì mỗi gia đình phải thường xuyên quan tâm, giáo dục con em mình, kịp thời phát hiện những hành vi chưa chuẩn mực để có biện pháp uốn nắn. Cha mẹ cần gương mẫu, chấp hành tốt pháp luật và dành thời gian quan tâm, dạy dỗ con em mình.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh là hết sức cần thiết để giúp các em nhận thực được những điều hay lẽ phải, tránh xa các tệ nạn, hành vi sai trái.
Bên cạnh đó, bản thân các em phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết, thực hiện tốt những quy định của pháp luật, của nhà trường và nên tham gia nhiều hoạt động lành mạnh, vui chơi giải trí nhằm rèn luyện cho bản thân lối sống trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi tác động xấu từ bạn bè và các quan hệ xã hội khác.