Chợ Cày – Thạch Hà được xây dựng khang trang, hiện đại, là điểm nhấn thương mại – dịch vụ cho huyện Thạch Hà.
Ngành thương mại Hà Tĩnh thời điểm tái lập tỉnh (năm 1991) gặp nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng thấp kém, mô hình bán lẻ chủ yếu là chợ, điểm tạp hóa nhỏ lẻ.
Những năm sau đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt đầu tập trung khai thác nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Nhờ đó, tổng mức lưu chuyển bán lẻ năm 1995 đạt 870 tỷ đồng, vượt gấp đôi so với năm 1992.
Đến năm 1998, số hộ tư thương và dịch vụ tư nhân tăng dần. Chợ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở mang thêm nhiều hơn như: chợ TX Hà Tĩnh, chợ huyện Đức Thọ, Can Lộc, chợ Gia Lách và một số chợ vùng, chợ xã... Những năm tiếp theo, chợ Thạch Hà, chợ Nghèn (Can Lộc), chợ Hôm (Đức Thọ) được xây dựng, đánh dấu thêm một bước phát triển về hạ tầng thương mại cũng như ngành bán lẻ nói chung.
Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Hà Tĩnh.
Có thể nói, trong 15 năm sau tách tỉnh (1991 - 2005), đã có nhiều thành quả nổi bật làm chuyển biến đáng kể về vai trò, vị thế của ngành bán lẻ. Hoạt động giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh đã sôi động hơn. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xã hội năm 2005 đạt 3.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần năm 2000. Tổng số chợ đến hết năm 2005 là 164, so với năm 2000 tăng thêm 25 chợ.
Với sự nỗ lực không ngừng trong việc tham mưu UBND tỉnh các văn bản, cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển thương mại nên hệ thống kinh doanh bán lẻ đã có sự thay đổi tích cực cả về số lượng và chất lượng. Cùng với phát triển hạ tầng, các mô hình kinh doanh đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhân viên siêu thị Co.opmart đi chợ hộ cho khách đặt hàng online.
Giai đoạn 2006 - 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội bình quân hằng năm tăng trên 30%. Cũng trong thời gian này, nhiều trung tâm thương mại, chợ nông thôn được xây dựng, cải tạo như: chợ Nghèn, Trung tâm Thương mại Tây Sơn (Hương Sơn)...
Năm 2009, Trung tâm Thương mại BMC (TP Hà Tĩnh) đi vào hoạt động đã tạo ra một diện mạo mới trong hoạt động bán lẻ trên địa bàn, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tham gia bình ổn thị trường hàng hóa.
Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Hà Tĩnh (đóng tại Trung tâm Thương mại BMC) cho biết: “Với mô hình kinh doanh hiện đại nên ngay từ những ngày mới mở, siêu thị đã thu hút được lượng lớn khách hàng. Trong hơn 11 năm hoạt động, chúng tôi ngày càng hoàn thiện và tích hợp nhiều tiện ích hơn để phục vụ khách hàng. Từ bán trực tiếp là chủ yếu, siêu thị đã có thêm các hình thức kinh doanh trực tuyến như qua điện thoại, Zalo, ứng dụng app SaigonCoop, qua các trang thương mại… Hình thức thanh toán đa dạng hơn như: quẹt thẻ, chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử Momo. Ngoài ra, đến nay, chúng tôi cũng đã mở thêm 2 cửa hàng Co.opfood, đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng”.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Hà Tĩnh đi vào hoạt động năm 2017 góp phần chuyển biến tích cực ngành bán lẻ Hà Tĩnh.
Cùng với BMC, ngày 12/7/2017, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Hà Tĩnh có kiến trúc sang trọng, hiện đại được khai trương đã mở thêm không gian mua sắm đa tiện ích cho người dân. Đây tiếp tục là cột mốc đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng thương mại, làm thay đổi “tầm vóc” ngành bán lẻ tỉnh nhà.
Bà Võ Thị Minh Hạnh (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Sự phát triển của hệ thống bán lẻ đã giúp người dân dễ dàng hơn trong việc mua sắm. Thay vì đi đến chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ, tôi có thể rẽ ngay vào siêu thị mini gần nhà để mua đủ các món đồ cần thiết hoặc cuối tuần ghé siêu thị lớn. Hay đơn giản và tiện lợi hơn, chỉ cần ngồi tại nhà nhắn tin, gọi điện cho nhân viên siêu thị thì chỉ một lúc sau, những mặt hàng mình cần sẽ được chuyển đến tận nơi”.
Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành chợ huyện Hương Khê vào tháng 1/2021.
Những năm vừa qua, các chính sách phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cũng đã tác động lớn đến phát triển hạ tầng chợ và công tác quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Giai đoạn 2013 - 2017 đã thu hút trên 1.400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư chợ, cơ sở thương mại nông thôn; thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý trên 129 chợ từ ban quản lý sang doanh nghiệp, HTX quản lý. Nhiều chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa có hạ tầng khang trang như: chợ Hồng Lĩnh, chợ thị trấn Thạch Hà, chợ Mai Phụ…
Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 236 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 167 chợ và hàng nghìn cửa hàng bán lẻ. Điều đáng nói, các nhà phân phối đã tích cực quảng bá hình ảnh qua các kênh, đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, mạng xã hội đẩy mạnh bán hàng online. Mạng lưới chợ bán lẻ lẫn cửa hàng tạp hóa truyền thống cũng không ngừng đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và “giữ chân” khách hàng.
Người tiêu dùng mua sắm online qua fanpage của siêu thị Vinmart Hà Tĩnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho hay: “Những năm trước 2010, việc trao đổi hàng hóa trên địa bàn chủ yếu diễn ra thông qua hệ thống chợ truyền thống thì giai đoạn 2011 - 2020, hình thành nhiều loại hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử… Tốc độ tăng trưởng chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2020 đạt 11%.
Hệ thống phân phối hiện đại đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là ứng dụng kinh tế số, thương mại điện tử trong kinh doanh ngày càng phát triển”.