Ngành bán lẻ và dịch vụ Hà Tĩnh kỳ vọng đà tăng trưởng mới

(Baohatinh.vn) - Ngành thương mại, dịch vụ được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới nhờ nền kinh tế bắt đầu hồi phục, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ổn định trở lại sau quá trình dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi

Tình hình bệnh COVID-19 dần được kiểm soát, lĩnh vực du lịch được khôi phục, kinh tế mở cửa trở lại… được xem là lực đẩy quan trọng để hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi đà tăng trưởng.

Các nhà bán lẻ hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh như siêu thị Co.opmart, Vincom Hà Tĩnh, Điện máy Hồng Hà, Điện Máy Xanh… đều ghi nhận lượng khách hàng đến mua sắm tăng rõ rệt trong 2 tháng trở lại đây. Tại khu vực chợ truyền thống, tiểu thương cũng phấn khởi hơn vì người dân đã quay lại mua sắm khá đông.

Ngành bán lẻ và dịch vụ Hà Tĩnh kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Các hoạt động dịch vụ khôi phục giúp các tiểu thương tại chợ truyền thống kinh doanh dễ dàng hơn.

Ông Trần Đình Chung - cán bộ phụ trách marketing siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Chỉ tính riêng trong các dịp nghỉ lễ và những ngày cuối tuần tháng 4, tháng 5, sức mua của người dân đã tăng từ 10 -15% so với cùng thời điểm năm 2021, đặc biệt là đối với nhóm hàng may mặc, thực phẩm, đồ uống… Đây là tín hiệu khả quan đối với doanh nghiệp sau thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành cũng là một trong những khu vực ghi nhận mức tăng trưởng khả quan sau thời gian dài bị “đóng băng” do dịch bệnh. Tại các điểm du lịch nổi tiếng như Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Xuân Thành (Nghi Xuân), khu nghỉ dưỡng Phú Minh Gia (Nghi Xuân), Vinpearl Cửa Sót (Lộc Hà)… lượng khách đến tham quan, lưu trú tăng cao.

Ngành bán lẻ và dịch vụ Hà Tĩnh kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng qua đạt hơn 17.700 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Kinh doanh Khách sạn Mường Thanh - Xuân Thành (Khu du lịch Xuân Thành - Nghi Xuân) cho biết: “Khách sạn đã đón khá đông khách đến nghỉ dưỡng nhất là vào thời điểm cuối tuần. Chúng tôi tập trung nâng cao thái độ phục vụ, cung cấp dịch vụ tốt nhất để làm hài lòng du khách”.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng đầu năm tại Hà Tĩnh đạt hơn 17.700 tỉ đồng, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là sự tăng trưởng tích cực so với thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngành bán lẻ và dịch vụ Hà Tĩnh kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Biển Thiên Cầm kín người vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022.

Kích cầu tiêu dùng tạo “lực” tăng trưởng mới cho thị trường

Quý III, IV sắp tới được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng của người dân tiếp tục bùng nổ, góp phần quan trọng cho các ngành bán lẻ, dịch vụ phục hồi nhanh chóng. Theo đó, nhiều chương trình giảm giá, đa dạng kênh mua sắm, nâng cao chất lượng phục vụ... sẽ được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp tục triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng.

Anh Võ Chí Đại - Trung tâm mua sắm MediaMart Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Đón những tín hiệu tích cực từ thị trường, doanh nghiệp chạy liên tục các chương trình ưu đãi giảm giá trong đợt cao điểm mua sắm thiết bị điện lạnh để phục vụ khách hàng như giảm giá sản phẩm từ 18 - 49%, tặng kèm nhiều quà tặng, miễn phí công lắp đặt, mua một đổi một trong thời gian bảo hành…”

Ngành bán lẻ và dịch vụ Hà Tĩnh kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Khách sạn Mường Thanh - Xuân Thành (Nghi Xuân) có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tốt dịch vụ cho khách hàng đến lưu trú, nghỉ dưỡng.

Cùng với đó, Hà Tĩnh đang tập trung tạo điều kiện khôi phục hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lữ hành, lưu trú, các điểm tham quan, vui chơi giải trí, vui chơi tập trung… Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh khai thác thị trường, phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới” để tạo đà cho các ngành liên quan phát triển.

Theo ông Trần Hoài Nam, Trưởng phòng Thống kê Kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh): “Thương mại, dịch vụ là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, vừa phục vụ tiêu dùng, vui chơi của người dân vừa thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp. Theo số liệu báo cáo, các ngành thương mại, dịch vụ hiện nay đã tăng trưởng trở lại sau 2 năm đình trệ, phản ánh mức tiêu dùng của người dân đang tăng dần. Trong đó, ngành bán lẻ, lưu trú, du lịch lữ hành, dịch vụ ăn uống là có mức tăng tốt nhất.

Ngành bán lẻ và dịch vụ Hà Tĩnh kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Giá xăng điều chỉnh tăng vào ngày 11/5 và tiếp tục giữ ở mức kỷ lục sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân, doanh nghiệp.

"Tuy nhiên thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến tình hình địa chính trị, giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu leo thang… Các ban, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo cho sự phát triển của ngành bán lẻ, dịch vụ” - ông Nam cho biết thêm.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.