Ngày mai không có cha trong đời...

(Baohatinh.vn) - Phiên tòa kết thúc, người thiếu phụ thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, cuộc đời mẹ con chị đã bước sang một trang mới: không tù túng, không cãi vã... Nhưng, nghĩ về tương lai của đứa trẻ phải lớn lên trong cảnh thiếu vắng cha, khóe mắt chị cay cay...

ngay mai khong co cha trong doi

Ảnh minh họa từ internet

Ngày 14/3/2012, giữa những lời hò reo, chúc tụng, cô dâu Nguyễn Thị T. hạnh phúc khoác lên mình chiếc váy trắng tinh khôi, cùng chồng tiến vào hôn trường nói lời thề hẹn trăm năm. Về chung một nhà chưa bao lâu, niềm vui tiếp tục gõ cửa tổ ấm đôi vợ chồng trẻ khi họ chào đón thêm thành viên mới - cháu Phạm Văn D.

Sau 2 năm tận hưởng “trái ngọt” của cuộc sống hôn nhân, những mâu thuẫn nhỏ bắt đầu xuất hiện, làm vết rạn trên bức tường hạnh phúc ngày một lớn. Những lần cãi vã kịch liệt, những cuộc “chiến tranh lạnh” không hồi kết dần khiến người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi. Và rồi, họ cảm thấy bức bí về sự hiện diện của người còn lại. Tổ ấm hạnh phúc ngày trước, giờ phải nhường chỗ cho thứ tình cảm đã dần nguội lạnh. Từ tháng 10/2015, hai vợ chồng ly thân.

4 năm sau ngày cưới, cuộc hôn nhân đẹp đẽ ấy đã chính thức khép cửa khi chồng T. nộp đơn lên Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà xin giải quyết ly hôn. Trong đơn, người đàn ông bày tỏ niềm mong mỏi lớn nhất là được nuôi con và không yêu cầu nhận cấp dưỡng từ phía vợ. Sau nhiều lần hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà đã tiến hành xét xử.

Tại phiên tòa, hai vợ chồng đứng cạnh nhau như hai người xa lạ; lạnh lùng, chẳng ai nhìn ai, khiến không khí phòng xử án càng trở nên lạnh lẽo. Thái độ bình thản và ráo hoảnh đến lạ lùng khi hai người từng là vợ chồng truy xét nhau, khiến người dự khán cảm thấy chua xót.

Và rồi, bản chất thật của người chồng, người cha dần lộ rõ qua phần xét hỏi tại phiên tòa. Tổ ấm của gia đình họ lung lay xuất phát từ việc anh L. (chồng chị T.) là người sống không có trách nhiệm với gia đình. Từ ngày chị T. sinh con cho đến khi ly thân, anh rất hiếm khi quan tâm, chăm sóc con trai cả về vật chất lẫn tinh thần. Mệt mỏi vì gánh nặng cuộc sống, nhưng không có người bên cạnh san sẻ, động viên, chị T. ngày càng rơi vào tình cảnh bế tắc. Cũng chính vì vậy, họ chấp nhận buông xuôi, trả lại cho nhau cuộc sống đúng nghĩa bằng việc đồng thuận ký vào đơn ly hôn.

Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh L., đồng thời, tuyên giao con chung cho chị T. nuôi dưỡng. Để đi tới phán quyết cuối cùng, hội đồng xét xử phải trăn trở đưa ra bản án hợp tình, hợp lý, bởi quyết định của những người thực thi công lý ảnh hưởng tới cả tương lai của một đứa trẻ.

Phiên tòa kết thúc, anh L., chị T. vội vã bước đi. Cuộc đời hai con người giờ đã bước sang một trang mới, không còn nặng gánh, ám ảnh bởi những cuộc tranh cãi kéo dài. Nhưng dường như trong ánh mắt họ vẫn nặng trĩu bao nỗi buồn chất chứa. Có lẽ, đứa con mới lên 4 là điều khiến cặp vợ chồng vừa tan vỡ cảm thấy xót xa. Một mầm non đã sớm phải chấp nhận cảnh “chắp vá” tình thương khi lẽ ra phải được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Cuộc ly hôn của họ mới chỉ kết thúc những uất ức, đau khổ trong lòng; nhưng lại là sự khởi đầu đầy gian nan cho đứa trẻ khi chập chững những bước đầu tiên trên chặng đường đời.

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.