Nghèn - miền thương nhớ trong tôi

(Baohatinh.vn) - Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi mới 4-5 tuổi, tôi đã theo cha xuống ở Nghèn. Lúc ấy cha tôi là Phó phòng Giao thông của huyện. Phố huyện lúc bấy giờ nhỏ bé lắm, chỉ có mấy dãy quán xá, cửa hiệu.

Bao kỷ niệm trẻ thơ vẫn in dấu trong tôi. Nhớ bữa sáng xôi giò hai hào quán bà Loan với cậu Hồng năm cậu vào học cấp 3 trường huyện. Nhớ những buổi chiều lon ton theo cha vô làng Nam Sơn coi các o dệt chiếu lác, các mệ xe trân. Những tối vô làng Bắc Sơn xem các bà làm bún, bánh mướt, bánh đa. Rồi những đêm ngủ một mình khi cha đi xử lý vụ xe chở khách bị nghiêng xuống ruộng ở Cầu Cao (xã Vượng Lộc), sợ ma, khóc cả đêm...

Thị trấn Nghèn ngày nay. Ảnh Thanh Hải

Nghèn từng chứng kiến bao cuộc binh đao. Nơi người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ cùng đoàn voi chiến oai hùng vượt ngầm đá qua sông hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh, dấu xưa còn đó. Nơi đây từng in đậm hình ảnh cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ngày nào khăn gói trên đường thượng kinh, tay nải bên vai mà lòng nặng trĩu nỗi niềm non nước. Nguyễn Tất Thành ở nhà cụ Nghè Ngô làng Nam Sơn, đêm tá túc không ngủ, nghe các bậc chí sĩ canh khuya luận bàn việc lớn. Còn vang vọng tiếng trống năm ba mươi, Can Lộc đứng đầu dậy trước, bao chiến sĩ hy sinh, thổi bùng lửa Xô-viết khắp đất trời Nghệ Tĩnh...

Rồi Nghèn trải qua những năm tháng chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom hủy diệt. Nam Sơn có đêm mấy chục người bị giết hại, đường làng trắng khăn tang, lửa bom napan, nhà cháy ngút trời... Phà Nghèn vẫn đêm đêm rậm rịch xe qua, những đoàn quân vẫn đội mưa bom Nam tiến. Các cơ quan huyện, người già, trẻ con sơ tán về các vùng xa... Bắc Sơn, Nam Sơn, Phúc Sơn chi chít hố bom thù... Vẫn hiên ngang trên rú Nghèn, trên đồng hầm pháo trận địa 12 ly 7, nơi các o dân quân trực chiến bắn máy bay… Nghèn đau thương, Nghèn anh dũng, ngoan cường trong lửa đạn, đồng Cò, đồng Mốt vẫn xanh khoai lúa và sự sống vẫn cứ sinh sôi...

1975, đại thắng mùa xuân, hòa bình lập lại. Trải qua 2 thời kỳ giặc Mỹ ném bom, người Đại Lộc lại trở về trong niềm vui thắng lợi. Trên mình đầy vết thương bom đạn, nhưng xóm làng, phố thị lại đã hồi sinh, từ từng viên gạch vỡ, từng cây tre, cột nhà cháy... dựng lại cơ đồ. Và rồi những năm tháng đầy khó khăn tiếp diễn của thời khủng hoảng KT-XH, thời đất nước bị bao vây cấm vận lại thử thách lòng người. Nhưng núi Nghèn vẫn xanh, sông Nghèn vẫn thao thiết chảy về xuôi và người Nghèn vẫn thủy chung, tràn đầy niềm tin hướng về phía trước...

Năm 1980, tôi lập gia đình. Năm 1981, vợ tôi vào làm y sĩ khoa nội bệnh viện huyện và sinh con gái đầu lòng Hằng Phương. Năm 1982, tôi chuyển về Trường THCS Đại Lộc công tác. Gia đình nhỏ của tôi gắn bó với đất Nghèn bắt đầu từ những ngày như thế. Năm 1983, chúng tôi dựng được ngôi nhà nhỏ hai gian, lợp ngói, trát đất ở bên làng Bắc Sơn. Đất vườn chỉ rộng khoảng 150 m2, có một khoảnh trồng rau, đào một cái giếng nhỏ và làm một cái chuồng nuôi lợn.

Xóm bệnh viện dần hình thành. Nhà o Hồng Đài, các ông bà Vân Huỳnh, Khương Hiền, Liên Hiển; các anh chị Lục Loan, Thanh Trân, Huệ Thiềm, Hà Dân, Thiết Liện, Lan Quý... Trên hai chục gia đình lần lượt làm nhà, đông vui, đầm ấm tình nghĩa láng giềng, rộn ràng tiếng cười con trẻ.

Tượng đài Xô-viết Nghệ Tĩnh ở Ngã ba Nghèn. Ảnh Huy Tùng

Đời sống cán bộ ngày ấy rất khó khăn, bà con nhân dân thị trấn cũng không kém phần chật vật. Nhiều nhà thiếu đói, chạy bữa từng ngày. Trẻ con ỏng eo, người già gầy yếu, bệnh tật hoành hành. Nhân viên bệnh viện, giáo viên, cán bộ nhà nào cũng nuôi lợn, chạy vớt bèo, mua chuối, bất chấp ngày mưa rét, lụt lội, nắng cháy để mưu sinh... Thịt cá là thứ xa xỉ, trẻ con nhiều nhà không biết vị ngọt của đường, vị thơm của sữa bò là gì... đôi khi thèm miếng bánh đa mà không có tiền mua. Năm tám mươi, gạo cũng tám mươi...

Nhưng trong khó khăn, tình người dân nơi đây vẫn trong sáng, thủy chung, chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau vượt qua hoạn nạn, khó khăn. Các con tôi và con em các gia đình cán bộ được quê Nghèn bao bọc, chở che, nuôi dưỡng, trong khó khăn, vất vả mà như cây lớn lên trong nắng, thành người tử tế...

Năm 1989, nhà tôi chuyển ra ở làng Nam Sơn. Nhiều năm ở trên đất Nghèn, dạy con em nơi đây nên tôi vẫn được bà con gọi là “thầy” một cách trân trọng, quý mến dù sau này đã chuyển công tác. Tôi thuộc từng ngôi nhà, ngõ xóm, lai lịch từng dòng họ, từng gia đình, từng gương mặt và giọng nói của nhiều người. Tôi có thể khẳng định một điều rằng, người dân Nghèn tốt bụng, chân thành, thật thà, ngay thẳng và vô cùng nghĩa tình. Họ mộc mạc như hạt lúa, củ khoai, nhưng giàu lòng vị tha, nhân nghĩa và có trước, có sau... Đi đến nơi khác ở, thành phố nhiều niềm vui, nhiều điều mới mẻ, nhưng không bao giờ nguôi ngoai trong tôi nỗi nhớ, niềm thương về miền đất Nghèn yêu dấu.

Như duyên, như phận, đất Nghèn ấm áp nghĩa tình đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành, đảm nhận trọng trách ở huyện nhà nhiều năm. Ơn nghĩa sâu nặng ấy tôi không bao giờ quên.

Chiếu cói Nam Sơn. Ảnh Internet.

Nay trở lại Nghèn, thị trấn nhà cao phố rộng, khang trang, sạch đẹp. Quang cảnh Nam Sơn, Bắc Sơn thấy như phố ở trong làng. Núi Nghèn như xanh hơn, cao hơn. Sông Nghèn vẫn một dòng xanh uốn lượn, vẫn một dòng thao thiết chảy. Cuộc sống phố phường náo nhiệt, sầm uất trong lòng thị trấn huyện lỵ đang từng ngày vươn mình lên đô thị loại IV. Cờ đỏ sao vàng bay trong nắng. Tượng đài Xô-viết ngời sáng chí anh hùng. Nghèn sôi động nhịp sống thời kinh tế thị trường. Hoa đồi Nghèn bừng nở khi mỗi ngày mới bắt đầu. Chuông nhà thờ đạo ngân nga mùa thánh lễ... Tất cả gợi trong tôi niềm tin mãnh liệt quê hương ngày càng tươi sáng, huy hoàng.

Năm 2015, gia đình tôi lại trở về TP Hà Tĩnh sinh sống, nơi cách đây 42 năm tôi bước vào nghề dạy học và sống những tháng năm tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Nhưng lòng tôi vẫn luôn nhớ về thị trấn Nghèn thân thương, về làng Bắc Sơn, Nam Sơn một thuở sướng khổ, vui buồn.

Thời gian và những kỷ niệm trên đất Nghèn đã thành một phần cuộc đời tôi. Thiêng liêng, đẹp đẽ và sâu nặng đến vô cùng!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói