Nghịch lý trong thực hiện thu giá dịch vụ rác thải ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tháng 6/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Sau hơn 1 năm kể từ khi chủ trương này có hiệu lực, tiến độ triển khai, thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm, kết quả thu thấp.

Ứ đọng rác thải, ô nhiễm môi trường đang vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương.

Mặc dù tỷ lệ thu giá dịch vụ đạt khoảng 80% (đối với các xã tổ chức thu gom), song, mức giá mà huyện Thạch Hà áp dụng còn khá thấp so với mức tối đa mà UBND tỉnh quy định. Cụ thể, với các hộ gia đình có trên 5 khẩu, mức giá tối đa theo quy định là 30 nghìn đồng/tháng nhưng các xã chỉ tổ chức thu ở mức từ 9 - 20 nghìn đồng; thậm chí, nhiều hộ kinh doanh buôn bán đóng tối đa theo quy định là 84 nghìn đồng/tháng nhưng chỉ đóng nộp theo mức giá của hộ gia đình thông thường (9 - 30 nghìn đồng/tháng).

Ông Hoàng Việt Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà chia sẻ, do kinh phí thu gom, vận chuyển đối với các địa phương là rất lớn, nhưng mức thu thấp nên sẽ phải bù đắp từ ngân sách các cấp. Theo tính toán, kinh phí vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn huyện Thạch Hà là 9,2 tỷ đồng/năm, trong khi đó, mức thu từ các đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh hàng năm chỉ đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Dù huyện áp dụng mức thu thấp hơn nhiều so mức giá tối đa, nhưng không ít địa phương chỉ thu đạt 60 - 70%.

Tỷ lệ thu giá dịch vụ rác thải thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các HTX môi trường thu gom, xử lý rác thải.

Tương tự, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, mức thu tại huyện Vũ Quang chỉ đạt khoảng 60 - 65%, một số xã như Đức Liên, Đức Giang, Hương Điền... đạt dưới 50%.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Quang Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết: "Đối với các hộ kinh doanh buôn bán, kinh doanh ăn uống, chúng tôi phối hợp với các phòng, ban liên quan tiến hành thu giá dịch vụ rác thải, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh đối với các hộ không đóng nộp nên đạt được kết quả cao. Tuy nhiên, Vũ Quang là huyện miền núi, địa bàn rộng, nhiều hộ gia đình do phát thải ít nên không đóng nộp. Hiện tại, mức giá áp dụng trên địa bàn cũng chỉ khoảng 70% so với mức giá tối đa theo quy định của tỉnh".

Đức Thọ là một trong những địa phương chưa triển khai áp dụng giá dịch vụ theo quy định mới.

Theo thông tin từ ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), đến thời điểm hiện tại, 12 huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn (trước đó là phí dịch vụ). Riêng ở Lộc Hà, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tự xây dựng mức giá dịch vụ phù hợp với điều kiện của địa phương.

Trong số 12 địa phương cấp huyện đã xây dựng giá dịch vụ theo quy định của Quyết định 33, có huyện (Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê) xây dựng mức giá ngang với mức quy định; 3 địa phương (Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh) xây dựng mức giá theo lộ trình tăng dần qua các năm và đến hết năm 2020, đạt 100% mức giá quy định; các địa phương còn lại xây dựng mức giá thấp hơn.

Về việc áp dụng giá dịch vụ tại các địa phương, đến nay, mới chỉ có TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, huyện Thạch Hà áp dụng mức giá dịch vụ mới. Một số địa phương mức độ triển khai còn hạn chế, chưa triển khai đồng loạt. Riêng Đức Thọ, Hương Khê chưa triển khai áp dụng. Nguyên nhân là do mức giá mới cao hơn phí dịch vụ vệ sinh theo Quyết định số 30/2013/QĐ-UBND trước đây nên người dân chưa sẵn sàng chi trả...

Tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh theo tính toán khoảng 251.227 tấn/năm (khoảng 688 tấn/ngày). Toàn tỉnh hiện có 216 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt (5 Công ty và 211 HTX, tổ đội vệ sinh môi trường). Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 461 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt; đến nay, các địa phương đã đầu tư xây dựng được 305 điểm.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói