Gà sạch Cổ Đạm "hút" khách nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP

(Baohatinh.vn) - Mô hình chăn nuôi gà sạch theo VietGAHP của Tổ hợp tác chăn nuôi gà Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa tạo ra sản phẩm an toàn, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

bqbht_br_4.jpg
Đàn gà hơn 500 con chuẩn bị xuất chuồng của gia đình chị Phạm Thị Hoa.

Gia đình chị Phạm Thị Hoa (SN 1985 ở thôn Phú Hòa, xã Cổ Đạm) có hơn 1.100 con gà, trong đó hơn 500 con chuẩn bị xuất chuồng. Ngoài khu vực nuôi nhốt, chị bố trí khoảng sân để đàn gà đi lại, góp phần nâng cao chất lượng thịt. Gà đến kỳ xuất bán có trọng lượng từ 3 – 3,5 kg/con, khỏe mạnh, lông sáng bóng, mượt mà, được nuôi theo quy trình VietGAHP.

"Trước đây, nuôi gà thường xuyên bị dịch bệnh, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm. Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà Cổ Đạm, tôi được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả hơn. Hằng năm, gia đình tôi luôn duy trì 1.000 - 1.200 con gà, nuôi theo hình thức gối vụ, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, khoảng 4 - 4,5 tấn thịt gà, thu lãi gần 100 triệu đồng"- chị Hoa chia sẻ.

bqbht_br_6.jpg
Thức ăn cho gà được các thành viên tự chế biến giàu chất dinh dưỡng

Năm 2022, Tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Cổ Đạm thành lập với 7 thành viên. Mỗi hộ thành viên bình quân chăn nuôi từ 500 – 1.000 con gà Lượng Huệ. Đây là loại gà thịt có sức đề kháng vượt trội, ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon. Trong quá trình chăn nuôi, các thành viên tuân thủ quy trình VietGAHP, bố trí chuồng trại thông thoáng, hợp vệ sinh; sử dụng thức ăn giàu chất dinh dưỡng từ các sản phẩm nông nghiệp như: ngô, khoai, gạo và tôm, cá và các loại thức ăn tổng hợp được kiểm định chất lượng; đồng thời thực hiện nghiêm ngặt quản lý dịch bệnh, vệ sinh môi trường... Nhờ vậy, đàn gà phát triển đồng đều, chất lượng sản phẩm thịt gà cũng được nâng lên.

Chị Nguyễn Thị Khuyên - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: "Các thành viên trước đây thường mua thức ăn, con giống nhỏ lẻ, giá thành cao, mỗi hộ mua mỗi nơi không kiểm soát được chất lượng con giống và dịch bệnh. Khi tham gia THT, các thành viên được kết nối cung cấp với giá tận gốc, công tác thú y thực hiện nghiêm ngặt, hướng dẫn lịch vào giống gối vụ, đảm bảo luôn có gà cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, chúng tôi chọn phương pháp nuôi gà theo quy trình VietGAHP. Hằng năm, các thành viên xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa 500 con gà, bán với giá từ 110 – 120 nghìn đồng/kg".

bqbht_br_5.jpg
Chăn nuôi của Tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Cổ Đạm đạt tiêu chuẩn VietGAHP

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật, cuối năm 2023, Tổ hợp tác xã chăn nuôi gà xã Cổ Đạm được tổ chức chứng nhận và kiểm nghiệm FAO cấp giấy chứng nhận phù hợp quy trình thực hành chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô 6.000 con/năm ( 3 lứa/năm). Đây là cơ sở để khẳng định được chất lượng sản phẩm của THT, giúp tạo lòng tin với khách hàng và chỗ đứng vững chắc về thương hiệu ở trên thị trường.

Gà sạch xã Cổ Đạm ngày càng được thị trường đón nhận, nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện và một số đầu mối tiêu thụ ngoài tỉnh đã đặt vấn đề mua gà của THT. Hiện, sản phẩm gà Cổ Đạm đã được được bày bán tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn.

bqbht_br_2.jpg
Sản phẩm gà Cổ Đạm được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch.

Chị Đào Nguyệt Anh - Chủ cửa hàng thực phẩm sạch Phúc Quý cho biết: "Chúng tôi có 2 hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn huyện. Trong đó, sản phẩm gà sạch được thu mua từ các thành viên của THT chăn nuôi gà xã Cổ Đạm. Sau khi nhập hàng từ THT, gà được chúng tôi làm thịt sạch sẽ, dán tem nhãn "gà Cổ Đạm" đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc. Bình quân, mỗi ngày các cửa hàng tiêu thụ từ 20 – 30 con gà. Đây là sản phẩm luôn được khách hàng tin tưởng mua về sử dụng vì đảm bảo an toàn.

Theo ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Qua kiểm tra, gà của THT chăn nuôi gà xã Cổ Đạm không sử dụng kháng sinh, hóa chất, đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn. Mô hình vừa tạo ra sản phẩm an toàn, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân; đồng thời tạo tiền đề để địa phương xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Tiêu chuẩn VietGAHP được thiết kế để đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và quản lý sản xuất hiệu quả.

Các tiêu chuẩn này bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, sử dụng nguồn nước, thuốc, hóa chất... một cách hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tiêu chuẩn/quy phạm VietGAHP được biên soạn dựa trên quy định của luật pháp Việt Nam, hướng dẫn của FAO và tham khảo quy định tại các tiêu chuẩn AseanGAP, GlobalGAP...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.