Nông dân Hương Sơn "bắt tay" doanh nghiệp nuôi lợn sạch

(Baohatinh.vn) - Sau thành công của những mô hình đầu tiên, nhiều hộ dân ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã "bắt tay" với Tập đoàn Quế Lâm để nuôi lợn theo hướng hữu cơ.

bqbht_br_img-7555.jpg
Anh Trần Ngọc Sơn là hộ đầu tiên của huyện Hương Sơn chuyển đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống sang hướng hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.

Nuôi lợn hữu cơ là phương thức chăn nuôi không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Qua đó, góp phần cung ứng sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, giảm nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tháng 8/2022, khi huyện Hương Sơn có chủ trương hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ, anh Trần Ngọc Sơn (SN 1988, thôn 4, xã Sơn Trường) là người “lĩnh xướng” thực hiện chủ trương này.

Sau khi đầu tư chuồng trại rộng 250m2 trị giá hơn 200 triệu đồng, ngày 20/9/2022, anh Sơn nhận về 3 lợn nái và 18 lợn con nuôi thương phẩm từ Tập đoàn Quế Lâm. Đây là mô hình chăn nuôi liên kết đầu tiên giữa hộ gia đình ở Hương Sơn với doanh nghiệp này để sản xuất sản phẩm chăn nuôi hữu cơ.

bqbht_br_img-7543.jpg
Nguồn thức ăn được kiểm soát và sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

Sau hơn 2 năm triển khai mô hình, đàn lợn nái nhập về đã tăng lên 8 con, mỗi năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 110 – 130 con. Lợn con được nuôi trong thời gian 6 tháng khi đạt trọng lượng 100 kg trở lên sẽ xuất chuồng. Trung bình mỗi năm, trừ tất cả các khoản chi phí anh Sơn thu nhập không dưới 300 triệu đồng.

Anh Trần Ngọc Sơn cho biết: "Được chuyển giao quy trình kỹ thuật, tôi đã bắt nhịp khá nhanh với mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Chăn nuôi hình thức này tiết kiệm được chi phí vì tận dụng được 30% lượng rau xanh tại chỗ. Tất cả thức ăn được ủ, bổ sung men trước khi cho ăn nên bảo đảm được chất lượng thịt. Lợn được thả nuôi trên nền đệm lót sinh học nên chuồng trại luôn khô thoáng, không có mùi hôi, không có nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường".

"Quá trình chăn nuôi, toàn bộ nguồn thức ăn, con giống, kỹ thuật chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đều do công ty đảm nhận nên bà con hoàn toàn yên tâm. Hiện, tại giá thu mua của công ty là 65.000 đồng/kg lợn hơi" - anh Sơn cho biết thêm.

bqbht_br_img-7601.jpg
90 hộ dân vừa tham gia lớp tập huấn nuôi lợn hữu cơ do xã Sơn Trường tổ chức với giảng viên chính là anh Trần Ngọc Sơn - người có kinh nghiệm hơn 2 năm nuôi liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.

Sau thành công của anh Sơn, tháng 9/2024, anh Trần Xuân Hoàng (SN 1989, thôn 1, xã Sơn Trường) cũng đầu tư 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi 2 con lợn nái, 50 con lợn thịt theo hướng hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc, lợn được cho ăn hoàn toàn bằng cám ủ men vi sinh do Tập đoàn Quế Lâm cung cấp.

"Nhờ áp dụng "5 không" (không thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, không chất tăng trọng, không chất bảo quản) nên sản phẩm thịt lợn được đánh giá an toàn, chất lượng, bán được giá và được người tiêu dùng rất ưa chuộng" - anh Trần Xuân Hoàng chia sẻ.

bqbht_br_img-7889.jpg
Toàn huyện Hương Sơn có 5 hộ đã tham gia nuôi lợn hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.

Với quy trình đó, chất lượng thịt lợn được cải thiện nhờ tỷ lệ nạc cao, không có tồn dư kháng sinh. Hiệu quả kinh tế cũng nâng lên rõ rệt do tỷ lệ chết thấp, giảm chi phí thuốc thú y trong phòng trị bệnh. Trong quá trình nuôi, anh Hoàng còn sử dụng phương pháp xông thảo dược với các dược liệu như sả, vỏ bưởi… giúp lợn tăng sức đề kháng, tránh dịch bệnh, đảm bảo phát triển tốt.

Ông Lê Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho hay, qua các hộ nuôi cho thấy, hiệu quả kinh tế của phương pháp nuôi lợn theo hướng hữu cơ hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với nuôi truyền thống. Đặc biệt, quá trình nuôi người dân không xả trực tiếp chất thải ra môi trường mà tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ để chăm sóc cho vườn cây ăn quả. Sơn Trường có gần 400 ha cam bù và cam chanh nên lượng phân bón này góp phần cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Hiện nay, xã khuyến khích bà con nuôi lợn theo hướng hữu cơ thay phương pháp chăn nuôi truyền thống.

bqbht_br_img-7853.jpg
Anh Trần Hồng Thuận (xã Sơn Trường) đầu tư chuồng trại, nhận về 2 lợn nái từ Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm để bắt đầu quy trình chăn nuôi mới.

Phong trào chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đã nhân rộng tại nhiều địa phương ở huyện Hương Sơn. Ông Trần Hồng Thuận (SN 1964, thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1) cho biết: "Sau 12 ngày tham quan tập huấn tại Tập đoàn Quế Lâm ở TP Huế (Thừa thiên Huế), tôi đã đầu tư hơn 60 triệu xây dựng chuồng trại 100 m2 và nhận 2 lợn nái để nuôi vào đầu tháng 11 vừa qua. Công ty cũng cam kết trong 1 tháng nếu con nái không mang bầu, sẽ được đổi con khác. Hiện tại, sau phối giống, 2 nái đã mang bầu, tôi phấn khởi lắm".

Toàn huyện Hương Sơn có 5 hộ đã tham gia nuôi lợn hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, trong đó có 2 hộ tại xã Sơn Trường, 3 hộ tại xã Sơn Kim 1. Ngoài ra, còn có thêm 30 hộ khác tại 2 địa phương này đã đăng ký nuôi liên kết với công ty. Những hộ đăng ký nuôi sẽ được nhân viên công ty đến tận nhà xem xét, tư vấn hướng dẫn cách thức xây chuồng trại, được tham gia lớp tập huấn về quy trình chăn nuôi (12 ngày miễn phí tại trang trại của công ty ở TP Huế). Với phương thức chăn nuôi mới không chỉ mở ra hướng phát triển bền vững mà còn góp phần giúp địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và giá trị cao.

Trần Quang Hòa – Trưởng phòng NN&PTNT Hương Sơn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.