Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng Trung úy Đinh Thị Lan, nhân viên nuôi quân Ban CHQS huyện Hương Khê (thôn 6, xã Phúc Trạch) vừa được cải tạo, xây dựng dù không lớn nhưng thiết kế, bố trí khá khang trang, gọn đẹp. Xung quanh khu nhà ở là hệ thống vườn cây ăn quả, rau xanh và khu chăn nuôi trâu bò, gia cầm.
Trung úy Đinh Thị Lan - Ban CHQS huyện Hương Khê đầu tư chăn nuôi trâu bò, trồng cam... từ nguồn vốn vay 40 triệu đồng của Hội Phụ nữ - Bộ CHQS tỉnh để phát triển kinh tế gia đình.
Chia sẻ niềm vui sau chặng đường được tiếp sức phát triển mô hình kinh tế, chị Lan tâm sự: “Trước đây, cuộc sống vợ chồng em còn gặp nhiều khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình đều nhìn vào đồng lương eo hẹp. Được Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh cho vay 40 triệu đồng, gia đình đã đầu tư mua một cặp trâu, bò giống; mở rộng diện tích đất trồng 1 ha cam đặc sản và đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên đến nay, các hướng đầu tư đã mang lại hiệu quả”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương - nhân viên nuôi quân, Ban CHQS huyện Hương Sơn là một trong những trường hợp nhận được sự hỗ trợ từ Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh.Cách đây hơn 20 năm, chồng chị bị tai nạn chấn thương sọ não, tài sản, tiền bạc trong nhà cứ thế ra đi theo những lần đưa chồng đi phẫu thuật ghép hộp sọ, nuôi não và thuốc men chữa trị ở các bệnh viện trung ương và địa phương...
Đoàn cán bộ Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ chồng chị Nguyễn Thị Phương đang điều trị bệnh.
Trong căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian, hằng ngày, ngoài làm việc ở đơn vị, chị phải chăm lo thuốc men, ăn uống, vệ sinh cho chồng, vừa nuôi dạy 3 con học hành và chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. Trong khó khăn, chị Phương luôn nhận được sự quan tâm động viên của người thân, bà con lối xóm.
Đặc biệt, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã vận động, quyên góp được 62,5 triệu đồng để hỗ trợ chị Phương tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống...
Chi hội Phụ nữ Ban CHQS TP Hà Tĩnh nhân rộng mô hình “Nuôi heo đất” nhằm gây quỹ hỗ trợ chi em hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Được biết, phong trào giúp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế của phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả.
Đến nay, các mô hình của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã tạo được nguồn quỹ trên 100 triệu đồng cùng 220 triệu đồng nguồn vốn Bộ Quốc phòng để cho chị em có hoàn cảnh khó khăn quay vòng vay vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh cho biết, những năm qua, hội đã có nhiều cách làm sáng tạo để xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả thiết thực. Với các mô hình: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Quỹ vì phụ nữ khó khăn”, “Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế”, “Tổ, nhóm tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”..., từ năm 2010 đến nay, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã quay vòng cho 30 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay từ 15 - 40 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế.
Nhờ được thường xuyên quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần nên chị em phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị Bộ CHQS tỉnh luôn vui tươi, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ nguồn quỹ, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tiêu biểu có các chị: Đinh Thị Lan - Ban CHQS huyện Hương Khê, Trần Thị Xuân - Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên, Phạm Thị Huệ - nhân viên văn thư Ban CHQS Can Lộc...
Ngoài giúp đỡ về nguồn vốn, từ năm 2010 đến nay, hội vận động từ các nguồn kinh phí hỗ trợ chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất mỗi năm từ 20 - 60 triệu đồng. Nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hội kịp thời động viên, tặng quà, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Với các nữ quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, là “ngôi nhà” ấm áp nghĩa tình.