Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), những người bị mỡ trong máu cao cần biết kiểm soát ăn uống một cách nghiêm khắc. Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
Những điều sau đây nên tuân thủ:
- Nên ăn nhạt.
- Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như: gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, ba ba, trà, dầu ngô.
- Nên dùng dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô, dầu hạt rum, dầu đậu nành và dầu hướng dương. Đây là những loại dầu có tác dụng làm hạ mức cholesterol. Điều cần lưu ý là tổng tất cả các loại chất béo nói trên đều không được vượt quá 30% lượng calo cho phép.
- Ăn nhiều cá (mỗi tuần vài ba lần) để thu nhận axit béo hệ omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu có nhiều axit béo loại này.
- Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là dưới dạng hòa tan. Những thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan là gạo lức, các hạt họ đậu, đậu lăng, lúa mạch, rau, trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi). Các thức ăn này làm giảm lượng chất béo và cholesterol được hấp thụ vào cơ thể, giúp “trục xuất” các muối mật ra ngoài.
- Nạp đủ axit folic: Nếu hàm lượng axit này trong máu quá thấp thì hàm lượng homocystein sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ bị bệnh tim. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên thu nạp mỗi ngày 400 microgram axit folic qua các thực phẩm như rau chân vịt, nước ép trái cam, bánh mì, lạc, đậu trắng và mầm lúa mì.
- Ăn nhiều rau quả và trái cây tươi loại ít ngọt (khoảng 500g mỗi ngày), nên ăn trái cây nguyên cả múi/tép hơn là ép lấy nước uống.
- Ăn nhiều tỏi.
- Mỗi tuần nên có ít nhất là 3 ngày ăn cá và 1 ngày ăn đậu (đậu hũ, đậu ve, đậu xanh…) thay cho ăn thịt.
- Nếu ăn thịt, nên chọn các loại thịt nạc không lẫn mỡ, da và gân. Nếu ăn tôm, cua, ghẹ… nên bỏ phần gạch.
- Mỗi tuần chỉ nên dùng 2 quả trứng gà hoặc trứng vịt.
- Nên dùng dầu thay cho mỡ động vật (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu…)
- Nên uống đủ nước trong ngày (kể cả nước lá chè xanh).
Những điều sau đây không nên:
- Muối: Nên giảm lượng muối xuống dưới 5g/ngày bằng cách tránh muối bột, hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn bằng cách chọn những thực phẩm tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
- Đồ uống có cồn: Bệnh nhân bị mỡ máu cao cần hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các loại đồ uống có cồn.
- Đường: Hạn chế sử dụng đồ uống, thực phẩm chứa đường, đặc biệt là nước ngọt.
- Thuốc lá: Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc lá.
- Thực phẩm có hàm lượng Cholesterol cao: Cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là não, bầu dục, gan, nội tạng động vật. - Không nên ăn quá 2 quả trứng/ngày, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol.
- Người bệnh cần giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn vì đây là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao.
- Ngoài ra, cũng nên hạn chế các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật...
- Chất béo (lipid) no: Chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân nhiễm mỡ máu.
- Hạn chế ăn tối muộn: Tối muộn là thời điểm năng lượng tiêu hao ít nhất trong ngày. Việc ăn tối quá muộn có thể khiến cho hàm lượng cholesterol nạp vào không kịp tiêu hóa, đọng lại tại thành động mạch. Tình trạng này lâu ngày có thể gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, nên sắp xếp thời gian ăn tối sớm, kết hợp tập thể dục điều độ để hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.
Tình trạng rối loạn mỡ máu không chỉ gặp ở người béo hay người lớn tuổi. Cùng với việc duy trì chế độ ăn phù hợp, mọi người cần kiểm tra sàng lọc thường xuyên để có thể phát hiện và điều trị máu nhiễm mỡ kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề.