Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng.
Giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn Hà Tĩnh có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng-khai thác-chuyển giao (BOT) là Dự án đầu tư xây dựng QL1 tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư và Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) làm chủ đầu tư.
Hai dự án này có tổng chiều dài hơn 51,4 km, tổng mức đầu tư gần 3.241 tỷ đồng. Các dự án BOT này đã góp phần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thong đồng bộ, huy động nguồn lực từ xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách, thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo QP-AN...
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại tuyến đường thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án BOT ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: vị trí đặt các trạm thu phí cầu Bến Thủy không phù hợp; trạm thu phí cầu Rác (thu phí tuyến tránh TP. Hà Tĩnh) đặt cách công trình được đầu tư 20km; chất lượng các công trình còn hạn chế, đầu tư không đồng bộ, sau khi đưa vào sử dụng nhiều đoạn bị lún, hư hỏng; công tác thanh quyết toán các dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thành, dẫn tới không xác định được mức thu và thời gian thu phí phù hợp; công tác quản lý hoạt động thu phí trong thời gian qua còn nhiều bất cập; hầu hết các dự án BOT không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường đã có...
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Nhiều cử tri phản ánh, bày tỏ sự không hài lòng với việc Cienco 4 thực hiện thu phí 4 dự án được đầu tư trên đất Nghệ An mà người dân Hà Tĩnh không sử dụng. Ngoài ra, nhân dân cũng khá bất bình khi chất lượng công trình của Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh không đảm bảo... Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng: Nhà đầu tư nên tính toán hiệu quả kinh tế để có mức thu hợp lý, không nên “tận thu” đối với người dân trong khu vực. Việc khai thác dự án phải dựa trên tinh thần người dân trong vùng là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, không nên để tình trạng người dân bị thiệt thòi như hiện nay. Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, thúc đẩy thông thương phát triển, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì trạm thu phí tại 2 cầu Bến Thủy nên dời hẳn sang phần đất Nghệ An, còn trạm thu phí Cầu Rác thì dời ra đặt ở đầu đường Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh... |
Ông Ngô Trọng Nghĩa- Phó Tổng giám đốc Cienco4: Việc tăng giảm phí, miễn giảm thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư không có thẩm quyền. Hiện chủ đầu tư đang đề xuất Bộ GTVT và các cơ quan liên quan điều chỉnh mức thu, di dời trạm thu phí. Trong thời gian chờ đợi, nhà đầu tư mong muốn chính quyền các cấp và người dân chia sẻ, tạo điều kiện thuận để đảm bảo ANTT, lưu thông cũng như hoạt động khai thác của đơn vị...
Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Trần Báu Hà: Mức thu phí cầu Bến Thủy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đi lại, sinh kế của người dân Nghi Xuân nên nhân dân rất bức xúc, thậm chí có phản ứng khá gay gắt.
Sau khi thực tế tại tuyến đường thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh, đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan để làm rõ các vấn đề: Tình hình ban hành chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT; đánh giá nội dung các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này; vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các dự án...; nghe các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, các chủ đầu tư để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay...
Ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Quyền điều chỉnh mức phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, nhưng với những gì đã diễn ra ở các điểm thu phí cầu Bến Thủy chúng tôi thấy không ổn. Chỉ trong thời gian ngắn mà nhà đầu tư đã 3 lần điều chỉnh mức thu, giá vé từ 15 ngàn đồng/lượt được đẩy lên 45 ngàn đồng/lượt là chưa đúng quy định và người dân bức xúc là khó tránh khỏi.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao sự vào cuộc, tinh thần đồng hành với các nhà đầu tư, ý thức chấp hàng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức BOT của tỉnh Hà Tĩnh.
Trưởng đoàn giám sát cũng đã tiếp thu, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và các nhà đầu tư để trình Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là về vị trí đặt trạm thu phí, mức phí, chất lượng công trình...
Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang tiếp thu các kiến nghị, đề xuất có liên quan đến việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông được thực hiện theo hình thức BOT.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng yêu cầu các chủ đầu tư BOT phải triển khai tu sửa, nâng cấp các đoạn đường đã lún, hằn vệt bánh xe; các bộ, ngành, tỉnh và chủ đầu tư phải sớm quyết toán công trình đã thực hiện; chủ đầu tư chủ động làm việc với Bộ GTVT nghiên cứu lại phương án di dời tất cả các trạm thu phí để sớm có sự điều chỉnh phù hợp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng các dự án BOT...