Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cùng với việc các hồ đập thủy lợi ở thượng nguồn xả tràn đã khiến vùng dưới của Vũ Quang có nguy cơ bị ngập sâu.
Để chủ động ứng phó với đợt lũ lớn, chính quyền các xã vùng hạ du đã khẩn trương triển khai các biện pháp chống lũ.
Là địa phương dễ bị ngập úng, cô lập nhanh khi nước sông Ngàn Sâu lên cao, nên ngay khi nhận được công điện cảnh báo mưa lũ của UBND huyện, lực lượng chức năng xã Đức Bồng đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ tại nhà. Trong ảnh: Lực lượng chức năng xã Đức Bồng giúp người dân thôn 1 làm thuyền phi, đề phòng lũ vào trong đêm.
Ông Trần Lê - Bí thư Đảng ủy xã Đức Bồng cho biết: "Để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, xã Đức Bồng đã thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc phòng chống thiên tai, hạn chế được thiệt hại do mưa lũ gây ra".
Lực lượng chức năng xã Đức Bồng chuẩn bị thuyền cứu hộ, sẵn sàng ứng phó cho người dân trong trường hợp khẩn cấp.
Ở xã Ân Phú, mặc dù tại các vị trí xung yếu chưa bị ngập cục bộ nhưng chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai cắm biển cảnh báo, để người dân né tránh rủi ro khi lũ lên bất ngờ.
Đồng thời bố trí lực lượng túc trực 24/24h tại những vị trí nước lũ lên nhanh nhằm theo dõi tình hình.
Để đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, bên cạnh thực hiện tốt các biện pháp tại chỗ, chính quyền các xã cũng đã chủ động lên kế hoạch sơ tán người và tài sản ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, cô lập cao đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Minh Vinh - Chủ tịch UBND xã Đức Giang chia sẻ: "Đối với những hộ nằm trong vùng nguy hiểm, chính quyền địa phương đã trực tiếp đến từng nhà vận động người dân sơ tán”.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng (người thứ 2 từ trái sang) chia sẻ: Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, người dân ở vùng hạ du Vũ Quang cũng thấm nhuần phương châm "4 tại chỗ". Mỗi nhà, mỗi người, đều có ý thức chủ động ứng phó với lũ lụt nên đã giảm thiểu được hậu quả của thiên tai.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Bính (thôn 1, xã Đức Bồng) chủ động gia cố gác xép, chạn, để đưa các vật dụng cần thiết lên, tránh nước dâng gây ngập.
Người dân thôn Hội Trung (xã Đức Liên) chủ động bảo vệ tài sản gia đình bằng cách thu gom, di chuyển toàn bộ phương tiện, vật dụng lên vị trí cao ráo để tránh thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: "Mỗi lần có thông tin cảnh báo lũ ở vùng hạ du, thay vì lo lắng, sợ hãi, chúng tôi lại "hợp sức" giúp đỡ nhau di chuyển tài sản, dựng thuyền để di chuyển trong mưa lũ, cùng nhau ứng phó với thiên tai. Nhờ vậy mà thiệt hại khi mỗi trận lũ đi qua không đáng kể".
Ngoài chủ động kê cao vật dụng trong nhà, sẵn sàng thuyền bè để di chuyển, người dân nơi đây cũng chuẩn bị các loại nhu yếu phẩm như: gạo, mỳ tôm, nước sạch... để dùng trong những ngày lũ vào.
Những vật dụng dù nhỏ nhất cũng được người dân cẩn thận kết lên bè nổi để khi nước rút còn có dùng. RÕ ràng, phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ đã giúp người dân vùng lũ Vũ Quang yên tâm hơn mỗi khi lũ về.