Chị Hiền tranh thủ từng chút thời gian ít ỏi trong ngày để chăm sóc nhà cửa, gia đình.
Trong căn nhà nhỏ tại tổ dân phố 4, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), chị Phan Thị Hiền đang tất bật vệ sinh nhà cửa sau khi đưa các con đến trường. Ngày 2/12 vừa qua, chồng chị - Thiếu tá Nguyễn Quang Vũ cùng 71 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã lên đường thực hiện nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị.
Tại tỉnh bạn, các cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp Hà Tĩnh sẽ thực hiện nhiệm vụ tại các chốt, đường mòn lối mở thuộc các đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu nhằm phối hợp ngăn ngừa xuất nhập cảnh trái phép cũng như thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.
Là một y tá, hiện đang công tác tại BVĐK huyện, chồng vắng nhà, mỗi ngày chị Hiền đều phải “lên lịch trình” kỹ lưỡng để vừa đảm bảo công việc cơ quan lại vừa quán xuyến chu toàn việc chăm sóc con cái, gia đình hai bên, trở thành điểm tựa tinh thần giúp anh Vũ vững vàng nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Dù công việc của cả hai anh chị đều bận rộn, đi sớm về khuya, song chị Hiền vẫn thu xếp thời gian, thường xuyên gọi điện chia sẻ, động viên, giúp anh yên tâm làm nhiệm vụ.
Công việc y tá khá bận rộn nhưng chị Hiền vẫn cố gắng thu xếp chu toàn mọi việc để cho chồng yên tâm công tác.
Chị Hiền xác định, đã chọn làm vợ người lính thì không tránh khỏi những lúc phải chia xa, phải thay chồng gánh vác công việc của người đàn ông trong gia đình. May mắn thay, các con của anh chị đều đã lớn, ngoan và tự giác nên có thể cùng mẹ chia sẻ việc nhà.
“Tự đáy lòng, tôi mong chồng và đồng đội có thật nhiều sức khỏe, vững vàng nơi tuyến đầu bởi nếu biên giới không canh gác kỹ, để lọt người nhiễm bệnh làm lây lan dịch ra cộng đồng thì vô cùng nguy hiểm. Là một y tá, tôi cũng luôn nhắc nhở anh thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và đồng đội" - chị Hiền tâm sự.
Chị Trần Thị Hằng hiện đang làm công việc nhân viên tiếp thị sữa.
Cũng là vợ lính, từ nhiều năm nay, chị Trần Thị Hằng (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đều thay chồng nuôi dạy các con và làm tròn bổn phận với gia đình hai bên. Chồng chị là Đại úy Trần Quốc Anh (Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh) cũng vừa được điều động tăng cường làm nhiệm vụ trực chốt đường biên tại Quảng Trị.
Từ ngày anh đi, chị Hằng và các con chỉ có thể nhìn và trò chuyện với bố qua qua màn hình điện thoại. Song, cũng phải vài ba ngày mới liên lạc được một lần, vì sóng điện thoại ở vùng biên chập chờn lúc có, lúc không. Những câu hỏi: “Anh có vất vả lắm không? Bố ơi, khi nào bố về?” được nhắc nhiều lần trong các cuộc trò chuyện ngắn ngủi.
Do điều kiện vùng biên không có sóng nên vài ba ngày đại úy Trần Quốc Anh mới có thể chuyện trò cùng mẹ con qua điện thoại
Là gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị Hằng và hai con (đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi) sinh sống trong ngôi nhà đã xuống cấp. Chồng đi vắng, mỗi ngày chị vừa phải tự tay chăm sóc các con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa, vừa làm nhân viên tiếp thị sữa. Vừa qua, vợ chồng chị được Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ xây nhà ở mới, đây là niềm vui lớn của cả gia đình.
Chị Hằng bộc bạch: “Khi anh tham gia thực hiện nhiệm vụ nơi tỉnh Quảng Trị, tôi luôn cố gắng động viên anh khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, chăm sóc các con thật tốt để anh yên tâm công tác. Biết anh khỏe mạnh, công tác tốt, mẹ con an tâm lắm rồi”.
Thượng tá Phan Huy Tâm - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở tự nguyện, xung phong lên đường thực hiện nhiệm vụ với khí thế, trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, thường xuyên thăm hỏi gia đình các quân nhân để kịp thời giúp đỡ về vật chất và tinh thần để các đồng chí yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ...”.