Tượng thờ Nguyễn Công Trứ tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Nguyễn Công Trứ là một nhà nho chính thống, con đường lập thân của ông vẫn là con đường khoa cử, dẫu muộn nhưng ông vẫn đeo đuổi cho đến khi “rồng mây gặp hội ưa duyên”. Với ý thức hệ “trung quân”, ông một lòng phục vụ triều đại chính thống. Điều khác lạ là ở nhân cách ông vừa đậm yếu tố nho giáo, vừa có sự chi phối của những yếu tố xã hội, lại vừa có sự bứt phá của cá nhân.
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ gắn với một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Đó là, một xã hội bộc lộ những mẫu người cơ hội, đa phần quân thần khi thì bỏ chúa Trịnh chạy theo Tây Sơn rồi lại quay về phò nhà Lê, rồi lại ép mình theo nhà Nguyễn. Một bộ phận khác thì mặc “trời đất xoay vần” rút lui ra ngoài cõi thế, sống ẩn dật nơi thôn dã, chốn sơn lâm. Đó là xã hội được Nguyễn Du mô tả một phần trong Truyện Kiều với “những phường bán thịt, những tay buôn người”, với thế lực mới là đồng tiền đã “đổi trắng thay đen” v.v…
Trước một xã hội đan xen những hào quang nhân văn cao cả và dục vọng thấp hèn, Nguyễn Công Trứ hiên ngang bước vào đời, quyết chí lập thân, lập danh. Môi trường xã hội đó đã tác động lớn đến Nguyễn Công Trứ, để rồi có một Uy Viễn Tướng công “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Với tính cách ngang tàng, lại nằm trong khuôn phép của một nền giáo dục lấy nho giáo làm chính, Nguyễn Công Trứ một mặt vẫn luôn “trung quân”; mặt khác đã “bay vượt” ra khỏi sự kìm nén đó để được tự do bộc lộ nhân cách của mình.
Mặc dầu đang là một thư sinh chưa có danh phận, khi vua Gia Long ghé qua Nghệ An trên đường ngự giá Bắc tuần, ông vẫn cả gan cung lên vua một bản điều trần gọi là “Thái bình thượng sách”. Phải chăng đó là tâm huyết, là niềm tin, là hy vọng của chàng trai đầy bản lĩnh trước uy thế đương triều.
Sau khi đỗ Giải nguyên, ông giữ 26 chức vụ khác nhau, từ chức Hành tẩu đến Bộ Binh Thượng thư. Ở vị trí nào ông cũng thể hiện sự trung thành mẫn cán, hết lòng vì nước, vì dân, hoàn thành trọng trách được giao, kể cả những khi thăng tiến cũng như những lúc bị oan trái. Một ông quan luôn trung với vua, lấy đạo đức nho giáo làm đầu đến vậy, thế mà vẫn có lúc dám chống lại lệnh vua. Đó là lúc vua phái đi “dẹp bọn nghịch loạn”, giao cho khi dẹp xong “phải tàn sát không để sót mầm mống nổi loạn”, thì ông không tuân theo mà còn dám tâu rằng: “Phần đông những bọn nghịch loạn ấy là những dân nghèo vô tội, bị áp bức cùng quẫn mới nổi lên như vậy. Phải cứu lấy dân lành, mở đường cho dân”.
Khu tưởng niệm Nguyễn Công Trứ tại Tiền Hải, Thái Bình (Ảnh: Đậu Hà)
Không những thế, ông còn gửi sớ lên xin vua cấp tiền cho dân nghèo đi khai khẩn đất hoang, lập ấp để yên dân: “Trước kia thần đã qua phủ Thiên Trường thấy huyện Giao Thủy và huyện Châu Định đất hoang phế rộng mênh mông… nếu cấp tiền, gạo của công… chiêu tập dân nghèo mà khai phá thì nhà nước không tốn kém bao nhiêu mà cái lợi thì lâu dài mãi mãi”. Chủ trương lấn biển khai hoang lập ấp sau khi dẹp xong khởi nghĩa Phan Bá Vành là vì dân, vì nước.
Chỉ trong mấy năm, với cách làm khoa học, sáng tạo, với tấm lòng yêu thương dân và dựa vào sức dân, ông đã làm nên kỳ tích khai hoang lấn biển lập nên được hai huyện mới: Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) với những công trình thủy lợi và hoạch định dân cư, đồng ruộng hợp lý. Đồng thời, ông cũng khởi xướng nhiều chính sách KT-XH với tư tưởng cách tân, vượt qua những hạn chế của xã hội đương thời còn có giá trị đến ngày nay.
Điều kỳ lạ ở Nguyễn Công Trứ - một ông quan “trung quân” còn ở chỗ, ông đã nhận ra giá trị dân tộc gắn với tinh thần yêu nước chân chính cả trong thơ ca cũng như sự hành xử trong sự nghiệp, trong cuộc sống. Là một vị giải nguyên giỏi chữ Hán, một nhà thơ xuất sắc, nhưng thơ ông hầu như viết toàn bằng chữ Nôm với ngôn ngữ dân dã, đời thường, gắn với ca dao, tục ngữ. Ông là ông tổ của lối hát nói và là người có công lớn đưa thể cách hát nói của ca trù thành một thể thơ ca của văn học Việt Nam.
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân
Khi được vua cử sang Tây Thành trấn giữ với chức “Tham tán đại thần”, sau những năm tháng chỉ huy quân đội ở đây, ông đã thấy cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh này và cảm nhận nỗi đau thương, mất mát của nhân dân hai nước… Trong ông dần nảy sinh, hình thành tư tưởng độc lập quốc gia phải gắn liền với chống áp bức xâm lược. Đó là điều mà từ xa xưa đến lúc bấy giờ chưa có nho sĩ nào dám nghĩ đến. Tướng công Nguyễn Công Trứ đã dám chịu tội trước triều đình nhà Nguyễn xin được rút quân về canh giữ biên cương, lập mối bang giao hữu hảo với láng giềng. Đề xuất đó không những không được chấp thuận, mà vua Thiệu Trị còn ghép ông vào tội phản quốc, xử “trảm giam hậu” (tử hình tạm giam chưa giết).
Đỉnh cao của ý thức dân tộc là khi được tin quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng (1858) mặc dầu đã 80 tuổi, Uy Viễn Tướng công vẫn dâng sớ lên nhà vua thiết tha xin đi đánh giặc giữ nước: “Thần nay như cái màn, cái lọng rách cũng không hề nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”. Đáng tiếc, chưa kịp lên đường thì ngày 14 tháng 11 năm đó, Nguyễn Công Trứ qua đời.
Có thể nói, Nguyễn Công Trứ là ông quan “trung quân, ái quốc” suốt đời lo toan việc nước, luôn nghĩ đến dân, lập công danh là để thực hành trách nhiệm của mình “vì nước, vì dân”. Từ ý thức trách nhiệm đó, Nguyễn Công Trứ đã khám phá ra và thực thi được những điều mới mẻ, tỏ rõ một nhân cách hiếm có vượt qua những hạn chế của thời đại ông. Nguyễn Công Trứ thực thi lệnh vua đàn áp khởi nghĩa nông dân, nhưng qua đó, ông nhìn thấy được những thảm họa người dân phải chịu. Ông tìm cách mở đường thoát cho dân bằng việc khai khẩn đất hoang lập ấp, lập làng, mở mang trường học để khai trí. Khi đi trấn giữ ở dân tộc láng giềng vẫn tinh tường nhìn thấy tinh thần bất khuất của dân tộc bị trị, nên ông thà chịu “trảm” chứ không làm kẻ xâm lược.
Một nhân cách như vậy, một ý chí như vậy, một trí tuệ và tâm hồn như vậy giữa triều đình độc đoán, chuyên quyền và một xã hội rối ren hẳn là chỉ riêng có ở ông. Và đó chính là những giá trị khiến Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ là một trong số rất ít ỏi những vị quan được lưu danh thiên cổ.