Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa có báo cáo đánh giá về nhiệt độ toàn cầu 6 tháng đầu năm 2020 và dự báo mức tăng nhiệt trong vòng 5 năm tới.
Các chuyên gia trên thế giới nhận định nhiều nơi đang trải qua khoảng thời gian nắng nóng chưa từng có trong lịch sử. Tại Việt Nam, nắng nóng cũng xác lập nhiều kỷ lục kể từ đầu mùa hè.
Nóng lên theo quy luật toàn cầu
Trao đổi với Zing , ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định thời tiết Việt Nam đang nằm trong quy luật của sự nóng lên toàn cầu.
“Từ đầu năm đến nay, chúng ta liên tục ghi nhận các mức nhiệt và thời gian nắng nóng kỷ lục ở Bắc Bộ. Do tác động của biến đổi khí hậu, năm nay tiếp tục là một năm rất nóng”, ông Khiêm cho biết.
Theo đó, thời tiết năm 2020 được nhận định là biến động liên tục, bất thường, ghi nhận nhiều kỷ lục về cả lượng mưa và nhiệt độ.
Ngày 21/5, Hà Nội ghi nhận mức nhiệt 40,9 độ C, cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây so với cùng thời kỳ các năm. Ảnh: Duy Hiệu . |
Cụ thể, trong tháng 4, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm 1 đến 2 độ C. Đặc biệt, khu vực phía Đông Bắc Bộ thấp hơn 1,5 đến 2,5 độ C.
Ngày 24/4, Hà Nội ghi nhận mức nhiệt 16,5 độ C là mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua so với trung bình các năm cùng thời kỳ. Khu vực đã trải qua đợt rét lịch sử trước khi vào hè.
Bước sang tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước lại cao hơn 1,5 đến 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, mức nhiệt trung bình trong tháng 5 tại hầu khắp các khu vực cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ thấp hơn năm 2015.
Kể từ đầu mùa hè, nắng nóng liên tục gia tăng trên diện rộng. Đợt nóng từ ngày 15-22/5, đã ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ tại một số nơi như: Lào Cai (41,8 độ C); Tĩnh Gia - Thanh Hóa (41,2 độ C); Bắc Mê - Hà Giang (40,4 độ C) và Hà Đông - Hà Nội (40,9 độ C).
Ngay sau đó, Bắc Bộ tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài 14 ngày từ 30/5 đến 12/6. Chuyên gia nhận định đây là đợt nóng dài nhất tại miền Bắc trong vòng 27 năm qua.
Số ngày nắng nóng của Hà Nội trong tháng 6 cũng lên đến 26 ngày. Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất trong chuỗi số liệu lịch sử kể từ năm 1971 đến nay. Nền nhiệt trung bình trên cả nước cao hơn 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm.
2020 khả năng là năm nóng kỷ lục
Cùng thời điểm các thông tin trên được công bố, Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cũng đưa ra bản cập nhật khí hậu hàng năm trên toàn cầu, cung cấp dự báo về nền nhiệt trên toàn thế giới trong 5 năm tới.
Theo đó, nhiệt độ trung bình của trái đất trong 6 tháng đầu năm đã cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đúng như dự báo đầu năm nay của Met. 5 năm qua là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng và 2020 khả năng là năm nóng kỷ lục.
Theo ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nghiên cứu cũng cho thấy thế giới đang đứng trước những thách thức trong việc đáp ứng thỏa thuận Paris về mục tiêu biến đổi khí hậu.
“Thỏa thuận này nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XXI tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C”, ông Petteri Taalas cho biết.
Hình ảnh cho thấy nhiệt độ cao bất thường từ 19/3 đến 20/6. Màu đỏ là các khu vực nóng hơn mức trung bình, màu xanh là các khu vực lạnh hơn trung bình trong cùng giai đoạn từ 2003-2018. Ảnh: NASA . |
Tổ chức khí tượng Thế giới cũng nhiều lần nhấn mạnh sự suy giảm kinh tế và công nghiệp từ Covid-19 không có tác động đến biến đổi khí hậu. Do thời gian tồn tại của CO2 trong khí quyển rất dài, tác động của việc giảm thải trong năm nay sẽ không dẫn đến việc giảm nồng độ CO2 - thứ đang làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Theo đó, báo cáo của Met Office đã đưa ra những điểm dự báo rất quan trọng cho xu hướng tăng nhiệt trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.
Thứ nhất, nhiệt độ toàn cầu hàng năm có thể cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (được xác định là giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này sẽ xuất hiện liên tục trong vòng 5 năm tới và mức nhiệt tăng dao động trong ngưỡng 0,91 đến 1,59 độ C.
Thứ hai, trong các năm 2020-2024, hầu hết khu vực của đại dương phía Nam có khả năng ấm hơn so với trung bình nhiều năm.
Tổ chức Khí tượng Thế giới nhận định áp suất nước biển sẽ diễn biến dị thường, phần nào cho thấy khu vực phía Bắc Đại Tây Dương có gió tây mạnh, làm gia tăng tần suất các cơn bão ở Tây Âu.